Vốn và niềm tin

19/10/2014 04:00 GMT+7

Đầu tư hay không đầu tư sân bay Long Thành , vấn đề nóng bỏng trong tuần qua với rất nhiều ý kiến ủng hộ cũng như phản đối nhưng có thể nhận thấy, cũng như nhiều dự án hạ tầng trước đó, nếu khúc mắc đầu tiên là vốn thì lo ngại cuối cùng lại chính là niềm tin.

Vốn, từ xưa đến nay đều là bài toán quá khó đối với các dự án hạ tầng tại VN. Với dự án sân bay Long Thành, cái khó này còn được nhân lên gấp nhiều lần vì theo tính toán, vốn đầu tư giai đoạn 1 đã lên tới gần 8 tỉ USD, sau khi hoàn tất giai đoạn 2 con số này lên 18 tỉ USD. Vốn lớn mà kinh tế lại đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, ngân sách eo hẹp, nhiều công trình trọng điểm cũng đành phải gác lại. Vì vậy, dù phản đối hay đồng ý, tất cả đều có chung một mối bận tâm đó là phương án huy động và trả nợ cho dự án này như thế nào. Nhưng có điều chắc chắn mà mỗi chúng ta ít nhiều đều biết rằng, có những dự án dù khó khăn đến mấy cũng phải làm. Sân bay Long Thành cũng vậy. Ngoài chuyện sân bay Tân Sơn Nhất sắp quá tải, trên thế giới, hầu như không quốc gia nào có sân bay nằm ngay trong nội đô như TP.HCM. Những thiệt hại khi xảy ra rủi ro, ô nhiễm tiếng ồn, quá tải về giao thông... đã từng được phản ánh rất nhiều lần. Nên có thể khẳng định, đầu tư dự án sân bay Long Thành là hết sức cần thiết để giải quyết tất cả những vấn đề nội tại, chưa kể đến khai thác lợi thế trung chuyển quốc tế như tờ trình của Bộ GTVT. Còn về thời điểm, rất khó để nói kinh tế khó khăn hay thuận lợi là phù hợp để triển khai dự án. Kinh tế khó khăn mà lại đi vay vốn lớn để làm dự án nghe có vẻ nghịch lý nhưng kinh tế khó khăn thì giá đất, giá đền bù, giá nguyên vật liệu, giá vốn... chắc chắn sẽ rẻ so với khi kinh tế tăng trưởng mạnh. Đó là chưa kể đến những chi phí cơ hội có thể sẽ mất đi khi chúng ta cứ mang tâm lý chờ đợi đến khi nào thuận lợi mới làm...

Nói như thế để thấy, lo ngại về vốn cũng là điều đương nhiên, không thể thiếu đối với dự án sân bay Long Thành nói riêng và các dự án hạ tầng nói chung. Nó cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt dự án hạ tầng bị đội vốn gấp đôi, lệ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc hay mới đi vào sử dụng đã xuống cấp, để thuyết phục người dân, những người sẽ gánh một phần không nhỏ vốn vay của dự án, hơn bao giờ hết các thông tin liên quan đến phương án huy động và trả nợ trước hết phải hết sức chính xác. Liên quan đến nguồn vốn vay từ Nhật Bản, hôm qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã gửi thư xin lỗi Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN, ông Fukada Hiroshi, vì đã nhầm lẫn khi nói Nhật cam kết cho VN vay 2 tỉ USD triển khai dự án Cảng hàng không Long Thành. Đây là hành động đúng đắn và kịp thời của lãnh đạo Bộ GTVT. Nhưng chỉ sau chưa đầy một ngày một thông tin quan trọng như thế này được công bố rồi bị bác bỏ và phải cải chính đã khiến dư luận ít nhiều hoang mang và lo ngại...

Để có được cơ hội báo cáo trước Quốc hội vào tuần tới, dự án sân bay Long Thành đã phải trải qua một hành trình đầy gian nan, kéo dài nhiều thập niên. Vấn đề cuối cùng để được thông qua từ lòng dân cho tới những người có quyền "bấm nút" chính là niềm tin. Niềm tin vào sự minh bạch, niềm tin vào tính chính xác, niềm tin vào những phương án khả thi, niềm tin vào sự tâm huyết của những người, những đơn vị quyết tâm triển khai dự án để tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.  

Nguyên Khanh

>> Quốc hội sẽ quyết định chủ trương xây sân bay Long Thành
>> Nhật Bản phủ nhận cho vay 2 tỉ USD với dự án sân bay Long Thành
>> Nhà nước có phải gánh nợ nếu sân bay Long Thành thua lỗ?
>> Từ sân bay Long Thành, nhìn lại Ba Son và Tân Cảng
>> Dự án sân bay Long Thành cần 7,8 tỉ USD
>> Di dời 5.381 hộ dân để xây sân bay Long Thành
>> Nhật xem xét cấp vốn ODA dự án sân bay Long Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.