AFP ngày 4.2 đưa tin thẩm phán James Robart tại tòa án liên bang ở Seattle, bang Washington (Mỹ) đã ra phán quyết tạm thời chặn đứng sắc lệnh về di dân và nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Phán quyết trên chính thức có hiệu lực trên toàn quốc từ ngày 3.2.
Theo đó, phán quyết tạm thời vô hiệu hóa sắc lệnh ngăn chặn người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ được ông Trump ký ban hành vào ngày 27.1. Như vậy, về lý thuyết, công dân từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen vẫn được phép nhập cảnh vào Mỹ nếu có thị thực hợp pháp.
Áp dụng toàn quốc
Phán quyết trên thực sự là một thách thức cho chính quyền của Tổng thống Trump. Thẩm phán Robart, người được cựu tổng thống George W.Bush bổ nhiệm, cũng đã bác bỏ mọi tuyên bố từ phía luật sư của chính phủ Mỹ cho rằng các bang không có quyền chống đối sắc lệnh hành pháp kể trên của ông Trump.
Theo BBC, vụ kiện chống sắc lệnh về di dân và nhập cư của Tổng thống Trump do bang Washington khởi xướng đầu tiên và bang Minnesota sau đó cũng đã tham gia. Tổng chưởng lý Bob Ferguson của bang Washington đã gọi sắc lệnh của ông Trump là bất hợp pháp và vi hiến vì mang tính kỳ thị tôn giáo. “Hiến pháp đã giành chiến thắng ngày hôm nay. Không ai được đứng trên pháp luật, cho dù đó là tổng thống”, theo AFP dẫn lời ông Ferguson. Tổng chưởng lý bang Washington cũng đã gọi phán quyết của thẩm phán Robart mang tính lịch sử.
Bên cạnh Washington và Minnesota, tổng chưởng lý hàng loạt bang khác tại Mỹ cũng đã lên tiếng phản bác, nói rằng sắc lệnh của ông Trump là vi hiến. Nhiều thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm ngưng việc trục xuất người dân đã được cấp thị thực vào Mỹ từ 7 nước nói trên. Tuy nhiên, những phán quyết của họ chỉ nhằm vào các cá nhân cụ thể. Còn phán quyết tại Seattle là quyết định đầu tiên có thể áp dụng trên toàn quốc. BBC đưa tin các tòa án tại ít nhất 4 bang Virginia, New York, Massachusetts và Michigan hiện đang thụ lý các vụ kiện khác nhằm chống lại sắc lệnh di trú của ông Trump.
tin liên quan
Mỹ: Thẩm phán liên bang chặn lệnh cấm nhập cảnh của ông TrumpThẩm phán liên bang Mỹ, ông James Robart đã ra phán quyết tạm thời chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump trong việc cấm cư dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Phán quyết có hiệu lực trên toàn quốc.
Nhà Trắng nổi giận
Nhà Trắng ngay lập tức lên tiếng phản đối phán quyết trên, theo AFP. Phát ngôn viên Nhà Trắng - ông Sean Spicer gọi sắc lệnh về nhập cư của Tổng thống Trump là “hợp pháp và phù hợp”. “Sắc lệnh của tổng thống là nhằm bảo vệ đất nước và ông ấy có quyền hiến định cũng như trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ”, ông Spicer tuyên bố. Quan chức này còn khẳng định Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu hoãn thi hành khẩn cấp đối với phán quyết của tòa án liên bang. Theo giới quan sát, chính quyền của Tổng thống Trump có thể kháng cáo chống lại phán quyết trên, song chưa rõ việc này sẽ thành công hay không.
Trước đó, ông Trump đã ký ban hành sắc lệnh tạm ngưng nhập cảnh đối với những người mang hộ chiếu 7 nước kể trên trong vòng 90 ngày. Sắc lệnh cũng “đóng băng” chương trình tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 120 ngày và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria. Lý do được Nhà Trắng đưa ra là họ cần phải rà soát và tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh đối với các đối tượng thuộc diện trên.
Bất chấp sự phản đối của nhiều người, chủ nhân Nhà Trắng nói rằng sắc lệnh của ông là nhằm bảo vệ công dân Mỹ, chứ không phải chống đối người Hồi giáo. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3.2 cho biết đã có ít nhất 60.000 thị thực từ 7 quốc gia liên quan tạm thời bị hủy vì sắc lệnh của ông Trump. Tuy nhiên, một thẩm phán tại Bộ Tư pháp Mỹ phát biểu trước tòa án liên bang ở Virginia rằng con số này lên đến 100.000.
tin liên quan
Ông Trump lên án thẩm phán chặn lệnh cấm nhập cảnhTổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4.2 lên án thẩm phán liên bang James Robart ra phán quyết tạm thời chặn sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với cư dân 7 nước Hồi giáo, còn Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao nói sẽ tuân thủ phán quyết.
Cơ hội vàng
Ngay sau phán quyết trên, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) thông báo các hãng hàng không có thể tiếp nhận trở lại những hành khách vốn bị ảnh hưởng từ sắc lệnh của ông Trump. Thông báo của CBP cho biết thêm những người tị nạn có thị thực vào Mỹ hợp lệ cũng sẽ được chào đón. Theo Reuters, các hãng hàng không Qatar Airways (Qatar) và Air France (Pháp) ngày 4.2 nhanh chóng cho biết sẽ cho phép những hành khách từ 7 nước liên quan và mọi người tị nạn được phép lên máy bay đến Mỹ miễn họ có giấy tờ hợp lệ.
“Kể từ hôm nay, chúng tôi bắt đầu thực thi quyết định của tòa án. Mọi công dân từ các nước liên quan được phép bay đến Mỹ nếu cung cấp giấy tờ đầy đủ”, phát ngôn viên Herve Erschler của Air France xác nhận với Reuters. Đại diện của Qatar Airways cũng xác nhận điều này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang tiếp tục xem xét phán quyết của tòa án liên bang ở Seattle. “Chúng tôi đang làm việc với Bộ An ninh nội địa để xem xét phán quyết trên gây ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi như thế nào. Chúng tôi sẽ thông báo mọi thay đổi tác động đến hành khách ngay khi có thể”, theo AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trả lời trên Đài CNN, Daniel Smith, một luật sư về di trú tại thành phố Seattle, dự đoán sau phán quyết của thẩm phán Robart, số người tìm cách nhập cảnh vào Mỹ sẽ tăng đột biến trong vài ngày tới. “Tôi có lời khuyên rằng những ai hiện đang ở Mỹ không nên đi khỏi đây. Đối với những ai muốn nhập cảnh vào Mỹ, tốt nhất là tìm cách đến nước này ngay bây giờ và ở lại đây nếu có thể”, luật sư trên nói. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số phận của những người có thị thực bị hủy theo sắc lệnh của ông Trump. Theo lý thuyết, những người thuộc diện này không thể nhập cảnh vào Mỹ vì không có thị thực hợp lệ.
Trước đó, sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump đã gây ra cảnh hỗn loạn tại các sân bay khắp nước Mỹ khi hàng loạt du khách bị bắt giữ hoặc trục xuất về nơi xuất phát. Cùng lúc đó, làn sóng biểu tình chống đối sắc lệnh của ông Trump cũng lan rộng khắp nơi.
Một công dân Iran trở lại Mỹ bất chấp lệnh cấm
Một người đàn ông Iran đã quay trở lại sân bay quốc tế ở thành phố Los Angeles thuộc bang California hôm 2.2 sau khi được một thẩm phán liên bang ra phán quyết cho phép nhập cảnh vào Mỹ. Ông Ali Vayeghan đã đợi 12 năm để đến Mỹ đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng khi vừa đáp máy bay xuống Los Angeles vào ngày 27.1, ông Vayeghan đã bị tạm giữ nhiều giờ đồng hồ và sau đó bị buộc lên máy bay trở về nước mặc dù ông đã có thẻ thường trú nhân (thẻ xanh). Nguyên nhân là Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh về di trú chỉ vài giờ trước đó.
Các luật sư từ Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ nhanh chóng vào cuộc giúp đỡ ông. Ngày 29.1, một thẩm phán liên bang ở California đã ra phán quyết tạm thời yêu cầu chính phủ Mỹ cho phép ông Vayeghan quay lại nhập cảnh vào nước này. Sự trở lại của người đàn ông 61 tuổi đã được giới chức thành phố Los Angeles và gia đình tiếp đón nồng nhiệt.
Theo AFP, ông Vayeghan là người đầu tiên được phép nhập cảnh vào Mỹ theo sau phán quyết của một tòa án liên bang kể từ khi sắc lệnh di trú có hiệu lực.
|
Bình luận (0)