Phán quyết kể trên là một thách thức thực sự cho chính quyền ông Trump, bởi nó có nghĩa từ nay cư dân 7 nước bị ông cấm - ít nhất là về mặt lý thuyết - có thể nộp đơn xin visa vào Mỹ.
Thẩm phán Robart đã bác bỏ biện hộ từ phía luật sư của chính phủ Mỹ cho rằng các bang không có thẩm quyền để chống lại sắc lệnh hành pháp của ông Trump.
Vụ kiện chống sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump do bang Washington đâm đơn đầu tiên, sau đó thêm bang Minnesota tham gia. Tổng chưởng lý bang Washington, ông Bob Ferguson gọi sắc lệnh là bất hợp pháp và vi hiến vì phân biệt đối xử dựa trên lý do tôn giáo.
Chính quyền của Tổng thống Trump có thể kháng cáo. Trước đó, ông Trump tuyên bố sắc lệnh của ông không nhắm vào người Hồi giáo mà chỉ nhằm đảm bảo sự an toàn cho người Mỹ. Đã có ít nhất 60.000 thị thực bị thu hồi kể từ khi ông Trump ban hành lệnh cấm, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Trump đã gây tranh cãi ầm ĩ với sắc lệnh hành pháp cấm cư dân 7 nước Hồi giáo vào Mỹ AFP
|
Không chỉ có Wahington hay Minnesota mới phản đối: tổng chưởng lý hàng loạt bang đã tuyên bố chống lại lệnh cấm của ông Trump, gọi nó là vi hiến. Nhiều thẩm phán liên bang đã tạm ngưng việc trục xuất người dân 7 nước Hồi giáo đã có thị thực hợp pháp. Tuy nhiên, phán quyết kể trên - được đưa ra tại Seattle (bang Washington) - là phán quyết đầu tiên có thể áp dụng trên toàn quốc.
Hiện các tòa án tại ít nhất 4 bang, bao gồm Virginia, New York, Massachusetts và Michigan đang thụ lý các vụ kiện khác chống lại sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.
Ông Trump đã gây tranh cãi trên toàn nước Mỹ và khắp thế giới sau khi ký sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày đối với cư dân 7 nước gồm Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, và Yemen.
Bình luận (0)