Chú Trần Ngọc Anh (nhà 144/3A/1 Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh) đã làm công việc này từ khi mới khởi xướng chương trình “Giúp cho các sĩ tử không lều”, đến nay đã tròn 17 năm, với rất nhiều kỷ niệm cùng các thí sinh từ khắp nơi. Ngoài chỗ ở, các thí sinh còn được dùng bữa cùng gia đình chú như những người thân, không có sự phân biệt kẻ lạ, người quen. Chia sẻ về lý do luôn đồng hành cùng thí sinh suốt mười mấy năm qua, chú Ngọc Anh nói: “Thấy người dân có cuộc sống vất vả, lên thành phố không có tiền, với rất nhiều lo lắng từ nơi ăn chốn ở có được như ở quê hay không, có nhiều cạm bẫy hay không. Từ đó mình mở rộng lòng ra để giúp đỡ”.
|
|
Rời gia đình chú Ngọc Anh, tìm tới địa chỉ nhà cô Nguyễn Thị Huệ (271 Bưng Ông Hoàng, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9), căn nhà cô trước kia là xưởng may nhưng 6 năm nay được dùng làm chỗ ăn ở miễn phí cho thí sinh. Hằng năm cô tiếp nhận gần 200 thí sinh từ khắp mọi nơi. Thí sinh nào xa địa điểm thi thì cô bố trí người đưa rước. Cô Huệ tâm sự: “Nhìn các em, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn đi thi, nhiều khi không tìm được chỗ ở tốt, đôi khi còn bị bóp chẹt, thấy rất tội. Mà công việc của cô cũng chỉ là tiếp sức mùa thi, nên khi nào tới mùa thi thì cô tiếp”.
Căn nhà một trệt, một gác của gia đình cô Nguyễn Thị Như Hòa, năm nào cũng đón 4 - 7 thí sinh vào ở miễn phí. Điều đặc biệt là cô Hòa có một cuốn sổ ghi chép mỗi khi kết thúc mùa thi, cô vẫn để lại cho các bạn góp ý. Trong cuốn sổ, có những điều chia sẻ hết sức cảm động của rất nhiều thế hệ thí sinh. “Cái ấn tượng đầu tiên khiến con nhớ mãi đó là hôm đầu con tới đây. Hôm đó trời mưa to lắm, cô đã phải đội mưa, lội nước ngập đến tận đầu gối để mang cho chúng con áo mưa. Rồi ăn ở, đường đi cô đều chỉ bảo cụ thể tận tình như một người mẹ… Con thật sự cảm ơn cô, con xem đây như một gia đình thứ hai của mình” là lời tâm sự của một thí sinh trong cuốn tập góp ý.
|
Còn cô Trịnh Thị Thanh Thủy (ngụ tại 183A4/8E Tôn Thất Thuyết, P.4, Q.4) cũng dành 30 chỗ cho thí sinh ở miễn phí. Như tự nhận thấy mình chưa làm trọn trách nhiệm, cô Thủy cho biết: “Tôi muốn tự đi chợ để nấu cho các em trong suốt thời gian ở tại nhà mình, nhưng thú thật do thời gian và sức khỏe không cho phép nên chắc chỉ có thể nấu đãi các em trong hai ngày thi chính”.
Cô Đỗ Thị Thu (ngụ tại 16 Bà Hom, P.13, Q.6) cũng cố gắng sắp xếp lại đồ đạc cho gọn gàng để đón khoảng 10 thí sinh vào ở. Cô Thu tâm tình: “Nói là đón 10 em chứ năm nào gia đình cũng đón từ 15 đến 20 em cả. Chỉ sợ các cháu ở chật chội ảnh hưởng đến việc ôn bài chứ thật tình mà nói mình đâu có tiếc gì chỗ ở với các em. Trong thâm tâm, tôi nghĩ giúp thêm được một thí sinh mình thấy niềm vui như được nhân lên gấp bội”.
Mặc dù đang ở nhà thuê nhưng chú Lê Ngọc Hải (trọ tại 334/64/170 Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh) cũng đồng hành cùng thí sinh. Chú Hải tâm sự: “Tôi sống một mình, lại chạy xe suốt ngày nên đâu cần ở phòng rộng rãi làm gì. Trước đây, tôi thuê một căn phòng nhỏ vừa đủ ở nhưng sắp đến kỳ thi đại học, muốn giúp thí sinh có chỗ ở miễn phí nên tôi thuê lại nguyên căn nhà này”. Căn nhà một trệt, lại có thêm gác nên chú Hải dự định sẽ đón khoảng 20 thí sinh nam vào ở miễn phí. Chú Hải còn nhờ người nấu ăn 3 bữa cho các em. Khi được hỏi làm sao chú có khả năng lo ăn uống cho các em như thế, chú Hải nói: “Tôi chạy xe ôm để dành cả năm nay cũng được 10 triệu đồng. Tôi muốn dùng số tiền này giúp đỡ những thí sinh nghèo, coi như tấm lòng của tôi đối với các em”.
Nhân Phạm - Chính Trung - Lê Thanh
>> Sôi động tiếp sức mùa thi
>> Bên lề Tiếp sức mùa thi 2013
>> Đội mưa" tiếp sức mùa thi
>> Lính cứu hỏa tiếp sức thí sinh
Bình luận (0)