Vụ 3 lao động Việt tử vong ở Nga: Tan hoang giấc mộng đổi đời

02/01/2014 16:00 GMT+7

(TNO) Nhiều người, cả thân nhân và làng xóm đã khóc ngất khi biết tin 3 lao động Việt vừa tử vong ở Nga do ngạt khí gas.

(TNO) Nhiều người, cả thân nhân và làng xóm đã khóc ngất khi biết tin 3 lao động Việt vừa tử vong ở Nga do ngạt khí gas.

>> 3 lao động Việt tử vong tại Nga

Vợ con anh Đặng Đặng Văn Xuân khóc ngất khi hay tin người thân đã tử vong ở Nga - 1
Vợ con anh Đặng Đặng Văn Xuân khóc ngất khi hay tin người thân đã tử vong ở Nga
- Ảnh: Hoan Dũng Tình
 

Vì nghèo khó, không có tiền đưa thi thể người thân về nước, ngày 2.1, cả 3 gia đình đã làm thủ tục nhờ cơ quan chức năng, cộng đồng người Việt ở Nga giúp đỡ, hỏa thiêu người thân để đưa hài cốt trở về quê hương…

Nỗi đau lớn nơi xóm nhỏ

Nhiều ngày nay, nhà anh Sầm Văn Bình (39 tuổi, trú xóm 10A, xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An), một trong ba lao động Việt vừa tử vong ở Nga, chìm ngập trong nỗi đau.

Lúc chúng tôi đến thăm, chị Đặng Thị Điệp (vợ anh Bình-PV) với thân hình gầy yếu, nhợt nhạt, tiều tụy đang cào bấu vào bàn thờ, nơi đặt di ảnh của người chồng vừa mất mà khóc như ngây dại.

Thấy mẹ khóc, 2 đứa con là Sầm Thị Lý (15 tuổi), Sầm Quang Nhật (11 tuổi) cũng giàn giụa nước mắt bên bàn thờ nghi ngút khói hương. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người viếng thăm không thể cầm lòng. ..

Cố kìm nén cảm xúc, bà Nguyễn Thị Thời (83 tuổi, mẹ ruột Sầm Văn Bình) chia sẻ cùng chúng tôi: “Cách đây mấy hôm, lúc chuẩn bị ăn cơm thì gia đình tôi nhận được tin dữ từ một người cùng xóm đang lao động ở Nga gọi điện về báo là Bình đã tử vong do ngạt khí gas vào tối 26.12. Nghe đến đó, cả nhà tôi giật thót tim, như đứt từng khúc ruột vì không thể tin vào sự thật đau lòng”.

Anh Sầm Văn Bình ra đi để lại cho chị  Đặng Thị Điệp hai đứa con thơ dại - Ảnh: Hoan Dũng Tình
Anh Sầm Văn Bình ra đi để lại cho chị  Đặng Thị Điệp hai đứa con thơ dại - Ảnh: Hoan Dũng Tình

Bà Thời cho biết thêm, vợ chồng Bình cũng giống như bao vợ chồng khác ở xã nghèo Nghĩa An, quanh năm, dù làm quần quật bên mấy sào ruộng khoán nhưng vẫn bữa đói, bữa no. Mấy năm nay, vì ruộng đồng ngày càng ít và để có tiền nuôi hai con nhỏ ăn học, Bình đã phải rời quê, đi khắp nơi kiếm sống nhưng kết quả không thay đổi được nhiều. Vào tháng 4.2013, sau nhiều đêm nằm trằn trọc suy nghĩ, Bình đã bàn với vợ cầm cố bìa đất và vay mượn thêm tiền để xuất ngoại.

“Vì tiền không có nhiều, phần vì phải đợi lâu, thủ tục phức tạp nên cuối cùng chồng tôi đã đưa 50 triệu đồng cho một đường dây môi giới xuất khẩu lao động ở huyện Diễn Châu, Nghệ An để được sang Nga theo con đường xuất khẩu lao động “chui”, dạng visa du lịch. Đi cùng Bình đợt đó còn có nhiều người cùng xã”, chị Điệp nấc nghẹn.

Ông Phạm Văn Thuần, bố ruột của Phạm Văn Tiện (19 tuổi), nạn nhân tử vong cùng Bình trong đêm 26.12, cho biết vì gia cảnh nghèo khó và thể theo nguyện vọng của con nên gia đình ông đã cho Tiện đi cùng nhiều người trong xã sang Nga làm nghề thợ hồ. 

“Sang đó được hơn 6 tháng, con trai tôi đã 4 lần điện về bảo là công việc rất vất vả, phải làm việc lao lực trên các công trường xây dựng từ 12-14 giờ/ngày. Đó là chưa kể đến việc vì bị cho là lao động “chui”, bất hợp pháp nên phải sống chui nhủi, nhảy cóc nay đây mai đó để tránh bị cảnh sát nước sở tại kiểm tra, vây bắt”, ông Thuần nói.

Theo ông Thuần, vì biết Tiện nhiều tháng phải nai lưng, bán sức trên công trường xây dựng mà tiền công thu được chẳng là bao nên vợ chồng ông đã mấy lần gọi điện bảo con về nước. “Nhưng nó bảo sẽ ráng làm thêm ít tháng nữa, khi đủ tiền về cho gia đình trả hết khoản nợ lúc vay đi Nga thì sẽ về. Nào ngờ….”, ông Thuần cho biết.

Cùng chung nỗi đau mất người thân, mấy ngày nay chị Hoàng Thị Thanh, vợ nạn nhân Đặng Văn Xuân, như chết lặng bên bàn thờ nghi ngút khói hương của chồng.

Thân hình chị vốn đã gầy yếu nay càng nhợt nhạt, tiều tụy sau nhiều ngày khóc than chồng. Chị nghẹn ngào kể: “Hơn 6 tháng trước, đêm chưa lên máy bay, anh Xuân còn ôm hôn lên má, lên trán từng đứa con của mình mà nói rằng, dù khó khăn đến mấy bố cũng sẽ cố gắng để có tiền lo cho mấy đứa ăn học. Vậy mà chừ anh ấy đã đi rồi, để lại cho tôi  5 đứa con nhỏ…”.

Sống chui nhủi trên đất Nga

Ông Vũ Đức Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, địa phương có 3 lao động vừa tử vong, cho biết, theo thông tin mà ông nhận được thì vào tối 26.12, phần vì thời tiết ở Nga quá lạnh, phần vì để trốn tránh việc bị cảnh sát nước sở tại kiểm tra, vây bắt nên cả 3 anh Bình, Công, Tiện đã vào ngủ trong một căn phòng chật hẹp, rồi bật bếp gas lên để sưởi ấm. Nhưng vì hệ thống dẫn gas bị rò rỉ nên cả 3 người đã chết ngạt sau đó.

Đau thương, khăn tang phủ trắng người thân các nạn nhân - Ảnh: Hoan Dũng Tình
Đau thương, khăn tang phủ trắng người thân các nạn nhân - Ảnh: Hoan Dũng Tình

Ông Công cũng cho biết thêm, theo nguyện vọng của 3 gia đình nạn nhân thì rất muốn đưa thi thể người thân quê an táng. “Tuy nhiên vì nghèo khó, chi phí đưa hài cốt thân nhân từ Nga về  lại quá lớn (750 triệu đồng/thi thể) nên cả 3 gia đình đã thống nhất là nhờ Cục Lãnh sự (Bộ ngoại giao), Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Nga giúp đỡ hỏa thiêu để đưa tro cốt người thân về quê an táng”, ông Công nói.

Ngày 2.1, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã Hội tỉnh Nghệ An, cho biết nhiều năm trở lại đây, không riêng gì Nghệ An mà nhiều tỉnh Miền trung khác có rất nhiều người sang Nga làm ăn theo đường xuất khẩu lao động “chui”, dạng visa du lịch.

“Điều này làm cho các cơ quan chức năng liên quan không thể kiểm soát được. Để hạn chế rủi ro cho người lao động, chúng tôi đã rất nhiều lần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh tỉnh nhưng xem ra chưa mang lại nhiều kết quả”, ông Dương nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online, nhiều lao động ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh từng “xuất ngoại” sang Nga làm ăn nay đã trở về cho biết: 5 năm trở lại đây, nhiều người dù không có giấy phép và chưa một lần sang Nga nhưng lại liều lĩnh đứng ra dụ dỗ, tổ chức cho hàng trăm người lao động ở hai địa phương này sang Nga làm ăn theo đường du lịch “chui” để thu lợi bất chính.

Hệ thống “chân rết” các đường dây này khá kín kẽ từ Việt Nam sang Nga. “Rất mong cơ quan chức trách sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm. Vì trên thực tế, sau khi sập bẫy những đường dây này, người lao động không chỉ mất một số tiền lớn phải trả lúc đi, mà lúc trở về cũng lâm vào cảnh trắng tay. Đó là chưa kể đến việc phải sống chui lủi, thậm chí là mất mạng vì rơi vào tay bọn buôn người, buộc phải bán sức lao động, “cày” như nô lệ trong các nhà máy, xí nghiệp “đen” bất hợp pháp hoặc bị cảnh sát Nga truy quét, bắt giữ”, anh Nguyễn Huế, lao động vừa trở về từ Nga nói.

Nguyên Dũng

>> 31 lao động Việt Nam bị tạm giữ tại Nga đã về đến Nội Bài
>> Hai lao động Việt Nam tử vong tại Angola
>> Đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam tại Hàn Quốc
>> Lao động Việt ở Malaysia được tăng lương
>> Thái Lan sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam
>> Bị vắt kiệt sức, lao động Việt Nam kêu cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.