Bị vắt kiệt sức, lao động Việt Nam kêu cứu

28/06/2012 21:05 GMT+7

(TNO) Mỗi ngày phải làm việc 14 tiếng trong điều kiện thời tiết nắng nóng gần 50 độ C. Sự khổ cực khiến nhiều lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út không chịu nổi đã xin hồi hương.

(TNO) Mỗi ngày phải làm việc 14 tiếng trong điều kiện thời tiết nắng nóng sa mạc gần 50 độ C; nhiều hôm phải ăn cơm trong bão cát; ốm đau không được đi bệnh viện… Sự khổ cực khiến lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út không chịu đựng nổi, nhiều người đã xin hồi hương.

>> Lao động Việt Nam bị hành hung ở Malaysia
>> Lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út đi làm trở lại
>> Lao động Việt Nam ở Li-băng mòn mỏi đợi ngày về
>> Lao động Việt Nam kêu cứu tại Malaysia: Mang con bỏ giữa chợ người...

Làm 14 tiếng/ngày, nhận lương bèo bọt

Anh Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Văn Thông cùng ở xã Khánh Sơn, Nam Đàn là 2 lao động (LĐ) may mắn về nước đoàn tụ gia đình sau 4 tháng “đòi” chủ sử dụng LĐ trả lại công bằng. 

Tuy nhiên, theo lời anh Hải, về nước gần 2 tháng nay, vẫn chưa được công ty thanh lý hợp đồng.

Anh Hải cho biết: “Chúng tôi được Công ty cổ phần Bách nghệ Toàn cầu (Glo-tech) đưa sang làm việc tại Công ty Al-shareek works for Recrutment (Ả Rập Xê Út). Theo hợp đồng, mỗi ngày LĐ làm việc 8 tiếng, nghỉ ngày chủ nhật. Nếu đảm bảo đủ yêu cầu trên, mỗi lao động sẽ nhận được 1.100 SR/tháng (trong đó có 200 SR tiền lương của 2 giờ làm thêm tối thiểu/ngày), Ngoài ra, LĐ còn được trợ cấp tiền ăn 200 SR/tháng".


Hai lao động Nguyễn Văn Thông (đội mũ) và Nguyễn Văn Hải tố cáo Công ty Glo-tech vi phạm hợp đồng - Ảnh: Gia Tưởng

Anh Nguyễn Văn Thông cho biết thêm: “Để có được số tiền 1.800 USD sang Ả Rập Xê Út chúng tôi phải vay mượn, cầm cố sổ đỏ. Sang đến nơi, các lao động hào hứng bắt tay vào công việc làm đường, trải nhựa. Nhưng chỉ sau 3 tháng, khi bắt đầu nhận được khoản lương đầu tiên, tất cả LĐ Việt Nam đều chán nản, bức xúc.

Một ngày làm việc bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng tới 17 giờ chiều, chứ không như hợp đồng đã ký. Thậm chí là làm việc 14 tiếng/ngày anh em cũng không được nghỉ trưa. Bức xúc hơn nữa là cuối tháng chỉ nhận lương có 650 SR. Làm phụ hồ ở quê lương còn cao hơn”.

Cũng theo anh Thông, cứ nghỉ ngày nào là trừ lương ngày đó. Khi chúng tôi hỏi chủ lao động thì nhận được câu trả lời là về Việt Nam mà thắc mắc…

Mặc dù rất bức xúc, biết bị chèn ép nhưng do đã mất tiền sang đây, nên người LĐ phải cắn răng chịu đựng, tiếp tục làm việc với hy vọng được chủ chấp thuận cho về nước.

Muốn về nước: hãy đợi đấy!

Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người LĐ “tố” Công ty Glo-tech đem con bỏ chợ, làm sai hợp đồng, Thanh Niên đã có buổi làm việc với bà Trần Thị Minh Thu, Phó tổng giám đốc Glo-tech.

Bà Thu thừa nhận trong hợp đồng ký với LĐ mức lương là 1.100 SR/tháng, trong đó lương cơ bản là 900 SR/tháng cộng 200 SR tiền làm thêm giờ. Và LĐ còn được nhận 200 tiền ăn/tháng. Còn "về việc lao động phản ánh mức lương thấp chúng tôi sẽ kiểm tra", bà Thu hứa.

 
Tôi cũng muốn về nước lắm chứ, nhưng họ bảo chờ. Tôi đã chờ 6 tháng nay, không biết tôi còn phải chờ đợi đến bao giờ
Anh Phùng Văn Châu
(Một LĐ còn kẹt tại Ả Rập Xê Út)

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo công ty còn nhiều lần úp mở về thông tin sai phạm của hai LĐ kể trên. Nhưng khi đề nghị cho biết cụ thể, bà Thu từ chối trả lời và nói rằng chờ thông tin bằng văn bản từ phía chủ sử dụng LĐ.

Văn bản báo cáo gửi Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) ngày 25.6 của Glo-tech có ghi: “Công ty nhận được một số tài liệu, văn bản từ phía chủ sử dụng lao động gửi về liên quan đến người LĐ vi phạm hợp đồng như nấu rượu, đánh nhau, ý thức kỷ luật kém. Vì vậy để giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người LĐ, công ty đang yêu cầu chủ sử dụng LĐ cung cấp đầy đủ các thông tin, giấy tờ, bảng chấm công, bảng lương, lý do, nguyên nhân về nước của hai LĐ nói trên”.

Tuy nhiên, là công ty tuyển dụng LĐ nhưng Glo-tech lại hoàn toàn không biết hai LĐ về nước cho đến khi họ đến công ty liên hệ làm việc. Bà Thu còn khẳng định, ngoài hai LĐ trên, hiện các LĐ khác đang làm việc rất tốt và được nhận mức lương rất cao.

Chiều 28.6, Thanh Niên đã liên lạc với một số LĐ còn đang kẹt tại Ả Rập Xê Út. Thực tế không giống như đại diện công ty Glo-tech đã nói. Qua điện thoại, anh Đặng Bá Quân (quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bức xúc: “Chúng tôi đều xuất thân từ nông dân, thấp cổ bé họng. Kêu mãi, chủ không cho về cũng đành cam chịu đi làm cho qua ngày, đoạn tháng. Nói có thể chẳng ai tin, nhưng sự thật trừ tiền ăn ra, mỗi tháng chỉ còn 3,5 triệu đồng. Anh Hải và anh Thông thật may mắn khi được về trước hạn, hoàn toàn không có chuyện họ nấu rượu hay đánh nhau”.

Phải rời quê hương ra nước ngoài làm việc, các LĐ Việt Nam sẵn sàng chấp nhận cực khổ, miễn sao được trả lương xứng đáng với công sức bỏ ra. Thế nhưng trước khí hậu khắc nghiệt, ăn uống thiếu thốn, làm việc quá sức nhiều người đã đổ bệnh.

Theo lời anh Phùng Văn Châu (quê Nghi Lộc, Nghệ An), nhiều người ốm nặng nhưng chủ lao động không cho đi khám bệnh.

“Tôi cũng muốn về nước lắm chứ, nhưng họ bảo chờ. Tôi đã chờ 6 tháng nay, không biết tôi còn phải chờ đợi đến bao giờ”, anh Châu ngậm ngùi.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đã nhận được báo cáo từ DN xuất khẩu lao động. Cục quản lý đã giao cho Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út xác minh sự việc. Quan điểm của Cục, ai đúng, ai sai cần phải có thời gian xác minh, làm rõ. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.