(TNO) Lãnh đạo Bộ Y tế trưa 31.7 đã giải thích việc Bộ này yêu cầu Bộ Công an vào cuộc là để hỗ trợ các nghiệp vụ điều tra khác ngoài vấn đề điều tra về chuyên môn thuộc lĩnh vực y tế.
>> Bộ Y tế “cầu cứu” Bộ Công an vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin
Trước thông tin bức xúc về việc Bộ Y tế cầu cứu Bộ Công an điều tra nguyên nhân gây tử vong ba trẻ sau tiêm vắc xin viêm gan B, trưa 31.7, ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có cuộc gặp gỡ với báo chí.
Cơ quan thực hiện tiêm chủng chịu trách nhiệm điều tra làm rõ nguyên nhân
Ông Bình khẳng định: “Mọi tai biến vắc xin xảy ra sau tiêm vắc xin trước hết cơ quan nhà nước triển khai hoạt động tiêm chủng phải chịu trách nhiệm điều tra làm rõ nguyên nhân. Sau khi làm rõ nguyên nhân sẽ quy rõ và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm dẫn đến sai sót”.
|
Phát biểu với tư cách là người phát ngôn của Bộ Y tế về vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh và an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: “Với sự cố nghiêm trọng 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an điều tra nguyên nhân vì Bộ Y tế nhận thấy đây là một sự cố hy hữu đáng tiếc bất thường và đặc biệt nghiêm trọng. Đề nghị Bộ Công an tham gia nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nghiệp vụ điều tra khác ngoài vấn đề điều tra về chuyên môn thuộc lĩnh vực y tế (an toàn tiêm chủng, tuân thủ quy trình an toàn tiêm chủng, sức khỏe của sơ sinh...)”.
Ông Bình khẳng định, quá trình điều tra, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan trong nước và quốc tế để tìm ra nguyên nhân của các trường hợp tử vong nêu trên và xử lý nghiêm.
Theo ông Bình, các mẫu bệnh phẩm của trẻ sơ sinh tử vong đã được Bộ Công an lấy xét nghiệm độc lập nhằm xác định có nhiễm các chất nào dẫn đến sốc phản vệ. Ngay khi có 3 ca tử vong xảy ra, cơ quan công an đã vào cuộc, vì vậy hai Bộ Y tế và Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ và cùng nỗ lực sớm tìm ra nguyên nhân.
Lo ngại tiêm nhầm
Hiện chưa có khẳng định về bất cứ nguyên nhân nào, nhưng rõ ràng đã có quy định là phải bảo quản riêng các loại vắc xin, không để vắc xin với thuốc, sinh phẩm khác.
Quy định này cũng nhằm giảm nguy cơ nhầm lẫn trong sử dụng. Tuy nhiên, tại Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa (nơi 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B), khâu bảo quản vắc xin đã không tuân thủ quy định này. Vì vậy, đó cũng là vấn đề cần làm rõ có hay không việc nhầm lẫn vắc xin, bên cạnh vấn đề làm rõ chất lượng vắc xin.
|
Khắc phục quá tải tiêm chủng
Ông Bình cũng cho biết, Bộ Y tế hôm 30.7 cũng vừa gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện chỉ tiêm không quá 50 trẻ/buổi tiêm chủng, để có thời gian tư vấn cho gia đình, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm.
“Đợt kiểm tra mới nhất thấy đó là vấn đề của nhiều địa phương. Cả xã mới có 1 ngày tiêm trong tháng vì vậy, số trẻ tiêm có nơi lên đến 100 - 150 trẻ cùng đến tiêm trong một ngày. Điều đó gây ồn ào và rất khó cho tuân thủ đầy đủ các quy định về tiêm chủng", ông Bình nhận xét.
"Thực tế này khiến chúng tôi đề nghị các UBND các tỉnh thành chỉ đạo sở y tế, trung tâm y tế dự phòng thực hiện lịch tiêm chủng phù hợp: có thêm các điểm tiêm, hoặc tổ chức các ngày tiêm chủng theo địa bàn dân cư để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định", ông Bình cho biết thêm.
Ông Bình cũng lo ngại, khám sàng lọc trước tiêm vắc xin rất khó phát hiện các tình huống chống chỉ định vì nhiều bệnh bẩm sinh không thể chỉ phát hiện bằng ống nghe, khám lâm sàng. Tuy nhiên, vẫn có thể giảm thiểu các nguy cơ tai biến bằng hỏi kỹ gia đình về có hay không dấu hiệu bất thường khi thực hiện mũi tiêm trước; tình trạng sức khỏe khi tiêm (có sốt hay không, có đợt điều trị nào gần với ngày tiêm, có bệnh mãn tính nào…) để chỉ định tiêm phù hợp.
Liên Châu
>> Vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin: Quảng Trị còn tồn 4.400 liều
>> Vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin: Đã 'khoanh' được một số nguyên nhân
>> Bộ Y tế vào cuộc vụ 3 trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắc xin
Bình luận (0)