Vụ án chạy thận 9 người chết: Bị cáo Hoàng Công Lương dùng quyền im lặng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/01/2019 12:16 GMT+7

Bị cáo Hoàng Công Lương xin dùng quyền im lặng trước câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát.

Sáng 16.1, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần thẩm vấn của Viện kiểm sát.
Tại tòa, bị cáo Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) xin giữ quyền im lặng trước câu hỏi của kiểm sát viên. Bị cáo cũng từ chối trả lời những câu hỏi không thuộc chuyên môn.
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo có thể trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát không, bị cáo này cho biết, hiện sức khỏe không đảm bảo, chỉ có thể ngồi tham dự phiên tòa và sẽ trả lời khi điều kiện sức khỏe tốt hơn.
Trước đó, ngày hôm qua, bị cáo 33 tuổi này khẳng định không đồng ý với cáo buộc của Viện kiểm sát đối với mình và đã làm đơn khiếu nại. Bị cáo là bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo cũng cho rằng, vào ngày 29.5.2017 (ngày xảy ra sự cố), mình ra y lệnh chạy thận vì đã được điều dưỡng Đỗ Thị Điệp thông báo Phòng Vật tư đã sửa xong và có thể vận hành được hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho các máy chạy thận.
Cũng theo bị cáo này, từ trước tới nay, chỉ cần người của Phòng Vật tư bàn giao bằng miệng cho Đơn nguyên thận thì Đơn nguyên thận sẽ tiếp tục sử dụng và đương nhiên là nguồn nước từ hệ thống lọc RO phải an toàn. Về trách nhiệm đảm bảo nguồn nước an toàn, bị cáo Lương cho rằng, thuộc về Phòng Vật tư thiết bị y tế vì tại Khoa Hồi sức tích cực không có kỹ sư riêng chịu trách nhiệm việc này.
Trong khi đó, khai tại tòa sáng 16.1, trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế) nói rất bất ngờ khi bị cáo Hoàng Công Lương cho rằng, trách nhiệm về nguồn nước là của mình.
“Bị cáo có nghe ở Khoa nói đơn nguyên thận phải có một kỹ sư riêng, còn việc nói bị cáo phải chịu trách nhiệm nguồn nước, hôm qua bị cáo mới nghe lần đầu”, bị cáo này nói thêm.
Trần Văn Sơn khai chỉ ký một hợp đồng lao động với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thời hạn 2013 - 2015 và sau đó tiếp tục làm việc không có hợp đồng. Trong việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho máy chạy thận vào ngày 28.5.2017, bị cáo Sơn cũng chỉ được giao kiểm tra báo giá, xác minh hàng hóa bị cáo Bùi Mạnh Quốc mang đến có đúng không.
Tuy nhiên, trước đó, theo lời khai của Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư - thiết bị y tế thì Sơn là người được Thắng giao thực hiện giám sát sửa chữa theo hợp đồng ký với Thiên Sơn. Tại cuộc họp giao ban phòng sáng 29.5.2017 (ngày xảy ra sự cố), bị cáo Sơn có báo cáo là việc sửa chữa hệ thống RO số 2 đã xong. Bị cáo Khiếu chỉ đạo Sơn làm những thủ tục tiếp theo và hiểu “thủ tục” này là bàn giao tài sản cho khoa Hồi sức tích cực và lấy mẫu nước đi xét nghiệm.

Đã cảnh báo phải xét nghiệm nước trước khi chạy hệ thống lọc nước chạy thận

Trả lời câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát sáng nay, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh), khẳng định không đổ lỗi cho ai và đã nhận thức được hành vi của mình khi không ngăn cản kịp thời việc Đơn nguyên Thận nhân tạo đưa hệ thống lọc nước RO 2 vào sử dụng trong sáng 29.5.2017, khi chưa lấy mẫu nước xét nghiệm sau sữa chữa.
Trước đó, ngày 28.5.2017, chính Bùi Mạnh Quốc đã trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO 2 theo yêu cầu của bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Quốc khai từng khuyến cáo Đỗ Anh Tuấn về việc bắt buộc phải xét nghiệm nước mới được đưa vào sử dụng. “Bị cáo ý thức được việc đó vì trước đây làm việc cho công ty Minh Hoàng, bị cáo từng 2 lần phải đi xét nghiệm lại khi chất lượng nguồn nước không đảm bảo”, bị cáo này nói.
Về hợp đồng giữa Trâm Anh và Thiên Sơn, Quốc nói ký vào chiều 29.5, sau khi sự cố xảy ra tại nhà xe của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với người của Thiên Sơn, chứ không phải ký ngày 25.5 như trong hợp đồng ghi. Trong khi đó, bị cáo Đỗ Tuấn Anh lại khẳng định hợp đồng được ký chiều 25.5, khi trên hợp đồng đã có sẵn chữ ký của Quốc đặt trên bàn làm việc của mình.
Khi Viện kiểm sát truy vấn về việc bị cáo Quốc khai đã nhiều lần cảnh báo với Tuấn không được sử dụng máy lọc nước ngay mà phải chờ xét nghiệm nước, bị cáo Tuấn nói muốn làm và kiểm tra cái gì phải có xét nghiệm, còn việc bị cáo Quốc khai thế nào thì không biết.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, hợp đồng Thiên Sơn ký với Công ty Trâm Anh để “bán thầu” việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 theo hợp đồng mà Thiên Sơn đã ký với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đề ngày 25.5. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã xác định, hợp đồng này được ký sau khi sự cố xảy ra vào ngày 29.5.2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.