Vụ án Trịnh Văn Quyết: Cựu Phó tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà bào chữa gì?

28/07/2024 17:54 GMT+7

Cựu Phó tổng giám đốc Lê Hải Trà cho rằng HOSE là nơi 'uống nước ở cuối nguồn', sai phạm liên quan đến cổ phiếu ROS sẽ không thể xảy ra nếu các cơ quan trước đó làm chuẩn chỉnh.

Ngày 28.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm trong vụ án lừa đảo và thao túng chứng khoán. Trong số các cựu cán bộ quản lý chứng khoán hầu tòa có cựu Phó tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) Lê Hải Trà.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Cựu Phó tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà bào chữa gì?- Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

PHÚC BÌNH

Ông Trà bị đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án 6 - 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với cáo buộc dù biết rõ không đủ cơ sở xác định số vốn thực góp 4.300 tỉ đồng của Công ty Faros nhưng đã gây sức ép với chuyên viên HOSE để đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp này. Sau khi niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS, nhóm ông Trịnh Văn Quyết bán cho các nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.

HOSE chỉ là nơi "uống nước ở cuối nguồn"

Tự bào chữa tại tòa, ông Lê Hải Trà phân trần 2 nội dung: một là HOSE không thể có sai phạm nếu như các cơ quan trước đó đã làm việc chuẩn chỉnh; hai là môi trường làm việc tại HOSE chịu nhiều áp lực.

Cựu Phó tổng giám đốc HOSE cho rằng quá trình thành lập một doanh nghiệp, tăng vốn, trở thành công ty đại chúng rồi niêm yết trên sàn chứng khoán là cả một chuỗi sự kiện. HOSE đóng vai trò như cầu nối cuối cùng giữa doanh nghiệp và cộng đồng đầu tư trên thị trường. "Chúng tôi là những người uống nước ở cuối nguồn của toàn bộ quy trình ", bị cáo nói.

Theo ông Trà, một trong những cơ sở quan trọng để HOSE chấp thuận hoặc không chấp thuận niêm yết là dựa vào thông tin, văn bản của những cơ quan có chức năng thẩm quyền trước đó. Điển hình như báo cáo kiểm toán tài chính, giấy đăng ký kinh doanh, văn bản chấp thuận công ty đại chúng, giấy đăng ký lưu ký chứng khoán…

Với quy trình như vậy, HOSE không thể đưa ra quyết định chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros nếu như không có sự đồng bộ, thống nhất từ các cơ quan khác đối với con số 4.300 tỉ đồng vốn góp của doanh nghiệp này.

Tiếp tục tự bào chữa, cựu Phó tổng giám đốc HOSE khẳng định việc xem xét hồ sơ đề nghị niêm yết của doanh nghiệp là rất ngặt nghèo. Bằng chứng là trong 25 năm hoạt động của HOSE, số doanh nghiệp nộp hồ sơ lên đến hàng triệu nhưng chỉ có khoảng 500 đơn vị được chấp thuận niêm yết.

Vẫn theo bị cáo Lê Hải Trà, quá trình xem xét thẩm định hồ sơ niêm yết cho các doanh nghiệp là thủ tục có giới hạn về mặt thời gian. Mọi quyết định hoặc thay đổi đều có thể tác động và gây ra những thiệt hại cho nhà đầu tư. Chưa kể, HOSE sẽ đối mặt với việc bị doanh nghiệp khởi kiện nếu có sự chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết trên sàn của họ. Những điều này đều tạo ra áp lực rất lớn.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Cựu Phó tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà bào chữa gì?- Ảnh 2.

Phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 7

PHÚC BÌNH

Cần xem xét trong tổng thể các quy trình

Tham gia bào chữa cho ông Lê Hải Trà, luật sư cũng nhận định "HOSE chỉ là nơi uống nước cuối nguồn", do đó đề nghị xem xét hành vi của thân chủ trong tổng thể các quy trình liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros.

Cụ thể là việc công ty được đăng ký kinh doanh ở sở KH-ĐT, báo cáo tài chính không đúng quy định pháp luật nhưng vẫn được công ty kiểm toán chấp thuận toàn phần. Lần lượt sau đó, công ty được Ủy ban Chứng khoán nhà nước chấp thuận là công ty đại chúng, Trung tâm lưu ký chứng khoán cấp chứng nhận đăng ký. HOSE chỉ là bước cuối cùng, khi chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu của doanh nghiệp.

Luật sư còn phân tích về bối cảnh tại thời điểm sai phạm diễn ra, khi hệ thống pháp luật về quản lý chứng khoán chưa đủ chặt chẽ, tạo kẽ hở để doanh nghiệp có thể "lách".

Theo luật sư, giai đoạn cổ phiếu ROS được lên sàn chứng khoán, các quy định trong lĩnh vực này vẫn đang được áp dụng theo luật Chứng khoán năm 2006. Luật này quy định khi niêm yết, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về vốn, hoạt động kinh doanh và khả năng tài chính, số cổ đông hoặc số người sở hữu chứng khoán; phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ niêm yết...

Tuy vậy, thời điểm vụ án xảy ra vẫn chưa có quy định về cơ chế, trách nhiệm kiểm tra công bố thông tin doanh nghiệp. Chính điều này tạo ra kẽ hở. Chưa kể, chế tài xử phạt hành chính đối với các vi phạm là 10 lần khoản thu phi pháp hoặc tối đa 3 tỉ đồng, là chưa đủ sức răn đe. Thực tế dẫn tới có những người chấp nhận bị xử phạt hành chính để cố tình che giấu thông tin, trục lợi.

Về phía HOSE, luật sư viện dẫn điều lệ tổ chức, nói HOSE có nhiệm vụ chính là tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán, chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ niêm yết, và giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán, báo cáo, kiến nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước các vi phạm... Vì thế, về mặt pháp lý, HOSE không phải là cơ quan thẩm định hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.