Vụ án Trịnh Văn Quyết: Những hối hận muộn màng

29/07/2024 17:53 GMT+7

Nói lời sau cùng trong vụ án liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, phần lớn các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận, mong được hưởng khoan hồng.

Chiều 29.7, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tiếp tục với phần nói lời sau cùng của các bị cáo. Do tính chất phức tạp, hội đồng xét xử sẽ nghị án kéo dài, tuyên án vào chiều 5.8 tới.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Những hối hận muộn màng- Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

PHÚC BÌNH

Gục ngã trước "virus lừa đảo"

Vụ án này, cơ quan tố tụng xác định hành vi sai phạm của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC được giúp sức bởi nhiều cựu cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) có 4 bị cáo, gồm: Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT; Lê Hải Trà và Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó giám đốc; Lê Thị Tuyết Hằng, cựu Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết.

Nói lời sau cùng, cả 4 bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, mong được hội đồng xét xử đánh giá toàn diện vụ án, bối cảnh cũng như tính chất hành vi phạm tội, để đưa ra phán quyết khoan hồng.

Cựu Chủ tịch HĐQT HOSE Trần Đắc Sinh nói, kể từ khi tham gia công tác quản lý, bị cáo luôn kiên định với mục tiêu làm sao để thị trường phát triển. Tuy nhiên, vào những ngày chuẩn bị nghỉ hưu, bị cáo bị "một con virus lừa đảo chui qua tất cả các cửa, để cuối cùng phạm tội như ngày hôm nay".

Ông Sinh gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, HOSE và các nhà đầu tư. Bị cáo cũng cho rằng vụ án đã để lại nhiều bài học, qua đó cần xây dựng các cơ sở pháp lý để chấn chỉnh thị trường vốn cũng như thị trường chứng khoán, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả.

Cựu Chủ tịch HĐQT HOSE xin kiến nghị một số vấn đề. Đó là phải xem xét lại việc quản lý vốn điều lệ của doanh nghiệp, phải siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán để không sai, đồng thời các cơ quan thanh tra, giám sát cần xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn về quản lý thị trường…

Một bị cáo khác tại HOSE là Lê Hải Trà cho biết đến nay đã nhận thức đầy đủ về hành vi của bản thân. Tuy vậy, bị cáo phân trần rằng, bản thân cũng như nhiều bị cáo khác "không bao giờ nghĩ một ngày nào đó sẽ tham gia giúp đỡ cho hành vi lừa đảo các nhà đầu tư".

Cựu Phó tổng giám đốc HOSE bày tỏ sự tiếc nuối khi HOSE ngày càng lớn mạnh, thế nhưng nay không thể tiếp tục đồng hành được nữa. Bị cáo cũng kể về những nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, công tác, người thân trong gia đình có công với đất nước…, mong được hưởng khoan hồng.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Những hối hận muộn màng- Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết

PHÚC BÌNH

"Chỉ đam mê làm nghề, chưa bao giờ có mục đích vụ lợi"

Sự ăn năn, hối hận còn đến từ các bị cáo thuộc "hệ sinh thái FLC". Phần lớn đều thừa nhận sai phạm, mong hội đồng xét xử cân nhắc cho hưởng mức hình phạt nhẹ nhất, sớm được làm lại cuộc đời.

Bị cáo Đỗ Quang Lâm, cựu Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), cho biết đã có hơn 20 năm làm việc trong ngành xây dựng. Bị cáo được Tập đoàn FLC tuyển dụng, được cựu chủ tịch tập đoàn này là ông Trịnh Văn Quyết giao nhiệm vụ kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc Công ty Faros.

Vì tin tưởng vào sự chỉ đạo của lãnh đạo tập đoàn, bị cáo đã đặt bút ký nghị quyết tăng vốn, hợp đồng ủy thác đầu tư cũng như đứng tên cổ đông trong quá trình nâng khống vốn Công ty Faross, giờ đây phải đứng trước tòa, đối mặt với cảnh tù tội.

"Bản thân bị cáo chỉ đam mê làm nghề, chưa bao giờ có mục đích vụ lợi cá nhân. Chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết mình sai và đã phối hợp tích cực để làm sáng tỏ vụ án", cựu Tổng giám đốc Công ty Faros nói.

Cuối lời, ông Lâm khẳng định mình chỉ giữ vai trò thứ yếu, lệ thuộc, mong hội đồng xét xử cho hưởng khoan hồng, bởi bị cáo là lao động chính trong gia đình, có 2 con nhỏ cần được chăm sóc…

Trước đó, trong phần bào chữa, luật sư cho rằng bị cáo Lâm chỉ là "công đoạn ký cuối cùng" tại các biên bản, nghị quyết và hợp đồng. Bởi lẽ, hồ sơ, tài liệu đã được đại diện các bộ phận, phòng, ban chuyên môn thẩm định, ký nháy, tổng hợp trình theo quy trình. Do không có bất kỳ cảnh báo nào, bị cáo Lâm nhận thức việc ký các văn bản là đúng quy định của công ty và pháp luật.

Một bị cáo khác là Nguyễn Bình Phương, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Faros, nói đây là bài học đắt giá mà cả đời bị cáo không bao giờ quên. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo vô cùng ân hận khi việc làm của mình đã vô tình gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Vì thế, bị cáo gửi lời xin lỗi tới các nhà đầu tư, tha thiết mong hội đồng xét xử cho hưởng mức án nhẹ, sớm trở về chăm sóc cha mẹ già và gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.