Vụ án Trương Mỹ Lan: Hành trình lòng vòng của 445.000 tỉ

Vụ án Trương Mỹ Lan: Hành trình lòng vòng của 445.000 tỉ

25/09/2024 18:44 GMT+7

Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng, tuy nhiên tại tòa, bị cáo khai không sử dụng số tiền này.

Sáng 25.9.2024, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, là cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm. Hội đồng xét xử bắt đầu thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan và 8 bị cáo đồng phạm “rửa tiền” hơn 445.000 tỉ đồng. Trước đó, vào ngày 21.9, Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát và luật sư đã thẩm vấn xong bị cáo Trương Mỹ Lan và 28 đồng phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án Trương Mỹ Lan: Hành trình lòng vòng của 445.000 tỉ

Theo cáo trạng, từ ngày 1.1.2018 đến ngày 7.10.2022, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng, bao gồm hơn 415.000 tỉ đồng từ hành vi “tham ô tài sản" và hơn 30.080 tỉ đồng từ hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB nhằm che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có, hợp pháp hóa toàn bộ hơn 445.000 tỉ đồng để sử dụng cho các mục đích theo chỉ đạo.

Cụ thể, về việc rút tiền mặt, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB, đã qua đời) phối hợp bị cáo Trương Khánh Hoàng (là cựu quyền Tổng giám đốc SCB), bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (là cựu Phó tổng giám đốc SCB), bị cáo Nguyễn Phương Anh (là cựu Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula) cho các công ty “ma”, thuê cá nhân rút tiền.

Khi tiền ra khỏi SCB chi nhánh Sài Gòn thì giao bị cáo Bùi Văn Dũng (là lái xe của bị cáo Trương Mỹ Lan) vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood tại số 127 Pasteur (quận 3) rồi giao cho bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (là thư ký của Trương Mỹ Lan).

Cơ quan điều tra cũng xác định bị cáo Bùi Văn Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Trần Xuân Phượng (là trợ lý của Ngô Thanh Nhã, cựu Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát).

Bị cáo Trương Mỹ Lan muốn dùng ‘siêu dự án' Amigo để khắc phục cho trái chủ

Trong một số trường hợp khác, bị cáo Bùi Văn Dũng trực tiếp chuyển tiền cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Khi chưa sử dụng tiền mặt, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm tại SCB chuyển tiền phạm tội đến tài khoản chờ, khi cần sử dụng sẽ lập phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định để Trương Mỹ Lan sử dụng.

Sau đó, bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan) tiếp tục giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Phương Anh khai trong thời gian phụ trách đã thành lập và sử dụng khoảng 600 công ty phối hợp với lãnh đạo SCB lập các khoản vay khống để rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Bị cáo này khai kịch bản chạy dòng tiền do bị cáo Nguyễn Phương Hồng hướng dẫn cho mình thực hiện.

Về kịch bản chạy dòng tiền, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung khai bản thân chỉ nhận được thông tin từ Trương Mỹ Lan phối hợp với Nguyễn Phương Anh để lên phương án vay vốn và giải ngân, còn lại sau đó không biết chi tiết dòng tiền chạy như thế nào.

Tương tự, bị cáo Trương Khánh Hoàng cũng khai phối hợp với bị cáo Phương Anh để lên phương án giải ngân cho các khoản vay. Tuy nhiên, bị cáo Hoàng chỉ phụ trách việc giải ngân từ ngân hàng, còn sau khi tiền giải ngân ra do bị cáo Phương Anh phụ trách.

Về nhận thức, bị cáo Trương Khánh Hoàng nói thời điểm vào làm SCB thì ngân hàng này đang khó khăn, bản thân chỉ cố gắng giúp sức để tái cơ cấu SCB thành công. Sau này mới biết hành vi của mình là sai và bị cáo này thấy buồn khi quá trình SCB tái cơ cấu không thành công.

Về phía bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền cáo buộc chịu trách nhiệm trong tội “rửa tiền”. Theo bị cáo Lan, cùng 1 nguồn tiền nhưng bị cáo lại bị quy trách nhiệm về 4 tội bao gồm ở giai đoạn 1 và 2, gồm: “vi phạm quy định về ngân hàng”, “tham ô tài sản”, “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đối với hơn 445.000 tỉ đồng bị buộc tội "rửa tiền", bị cáo Lan khai không sử dụng số tiền này, chỉ có 75 tỉ đồng là khoản vay đến hạn thì anh em (là cựu lãnh đạo SCB) tự động cơ cấu lại khoản vay. Còn tiền chuyển đi nước ngoài rất ít so với số tiền nước ngoài chuyển tiền Việt Nam.

Vụ án Trương Mỹ Lan: Hành trình lòng vòng của 445.000 tỉ- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

ẢNH: NHẬT THỊNH

Bị cáo Trương Mỹ Lan khai không chỉ đạo các lãnh đạo ngân hàng chi các khoản cho mục đích cá nhân của mình. Các bị cáo nói tại tòa không sai nhưng cách nói của các lãnh đạo SCB gây hiểu lầm, làm xấu đi tình trạng của mình vì trong số các khoản tiền giải ngân từ SCB thì sử dụng để trả nợ cho các khoản vay cũ.

Khi chủ tọa hỏi có sử dụng tiền để trả cho khoản vay cũ cho ngân hàng khác không, bị cáo Trương Mỹ Lan nói Vạn Thịnh Phát không vay ngân hàng khác. Bị cáo Lan khai, theo cáo buộc đối với các mục đích sử dụng dòng tiền, bị cáo mong Hội đồng xét xử làm rõ, vì bị cáo không bao giờ vay mượn ai, cũng không lấy danh Vạn Thịnh Phát vay mượn.

Theo bị cáo, khoản vay cũ ở đây là khoản vay của SCB nhằm tái cơ cấu lại các khoản nợ của ngân hàng chứ không phải sử dụng để trả nợ cho các khoản vay cho các công ty của Vạn Thịnh Phát.

Về các khoản tiền nộp vào các thẻ tín dụng, bị cáo Lan khai bản thân thường xuyên và sinh sống ở nước ngoài nên chủ yếu sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng nước ngoài. Thời điểm đó lãnh đạo SCB năn nỉ mình mở thẻ tín dụng tại SCB nên bị cáo mới mở. Khi chi tiêu thẻ tín dụng thì đến hạn thanh toán, bị cáo đều sử dụng tiền của bị cáo để thanh toán các thẻ này. Hoàn toàn không sử dụng tiền của SCB để thanh toán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.