Vụ 'bác sĩ Trần Khoa': Công an Bến Tre không xác định được Nguyễn Thị Minh Thy

Bắc Bình
Bắc Bình
30/04/2022 16:11 GMT+7

Công an tỉnh Bến Tre cho biết thông tin liên quan đến người tên Nguyễn Minh Thy (24 tuổi, ngụ H.Chợ Lách, Bến Tre) trong vụ 'bác sĩ Trần Khoa' là mập mờ, không xác định được.

Mập mờ nhân thân Nguyễn Thị Minh Thy

Liên quan nhóm từ thiện lừa đảo "bác sĩ Trần Khoa", ngày 30.4, Phòng Tham mưu Công an tỉnh Bến Tre cho biết, phối hợp Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, lãnh đạo Công an tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo Công an H.Chợ Lách tiến hành xác minh đối với “Nguyễn Minh Thy, 24 tuổi, ngụ H.Chợ Lách, Bến Tre” theo thông tin cung cấp từ Công an TP.HCM.

Vụ 'bác sĩ Trần Khoa' lừa đảo tiền từ thiện: Các nạn nhân cần liên hệ ngay Công an TP.HCM

Tuy nhiên, kết quả đã không xác định được người tên Nguyễn Thị Minh Thy ở địa phương này. Theo Phòng tham mưu Công an tỉnh Bến Tre, Công an TP.HCM có gửi văn bản yêu cầu phối hợp gửi đến Công an tỉnh Bến Tre nhưng Công an TP.HCM chưa cung cấp rõ ràng địa chỉ của người tên Nguyễn Minh Thy tại H.Chợ Lách, nên dù đã rất nỗ lực, Công an H.Chợ Lách không tìm được người tên Nguyễn Thị Minh Thy.

Trước đó, theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định, Nguyễn Thị Minh Thy (24 tuổi, ngụ H.Chợ Lách, Bến Tre) cùng đồng bọn dùng thủ đoạn đăng các bài viết hư cấu về những câu chuyện cảm động, dựng lên nhân vật "bác sĩ Trần Khoa" hòng kêu gọi gây quỹ từ thiện, nhận tiền từ những nhà hảo tâm để trục lợi.

Cụ thể, vào năm 2018, Nguyễn Thị Minh Thy đã lập và quản lý quỹ của "Nhóm từ thiện 82" trên Facebook, nhằm mục đích kêu gọi, bán hàng gây quỹ từ thiện và nhận tiền từ những nhà hảo tâm. Công an TP.HCM hiện đang mời những cá nhân, tổ chức đã ủng hộ tiền, tài sản cho Thy, "Nhóm từ thiện 82" và "bác sĩ Trần Khoa" đến đơn vị để cung cấp thông tin liên quan đến vụ án này.

Tiếp tục xác minh nhóm "bác sĩ Trần Khoa"

Theo Công an TP.HCM, vào tối 7.8.2021, tài khoản mạng xã hội Facebook “Trần Khoa” đăng tin có nội dung “bác sĩ” đã rút ống thở của mẹ đang bị Covid-19 để nhường cho sản phụ song thai đang điều trị cùng phòng tại một bệnh viện ở TP.HCM. Câu chuyện "cảm động" này nhanh chóng lan truyền mạnh trên mạng xã hội, khiến nhiều người quan tâm, được hàng loạt tài khoản Facebook chia sẻ.

Sau khi kiểm tra, xác minh, Sở Y tế TP.HCM khẳng định câu chuyện "bác sĩ Trần Khoa" là hư cấu, bịa đặt. Một số tài khoản Facebook sau đó bị Sở TT-TT TP.HCM xử phạt về hành vi thông tin, chia sẻ các câu chuyện bịa đặt về "bác sĩ Trần Khoa".

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang tiếp tục điều tra vụ lừa đảo của nhóm "bác sĩ Trần Khoa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.