Vụ bán trái phép 23 nghìn tấn muối nhập khẩu: Yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

22/10/2011 00:07 GMT+7

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh muối năm 2011 diễn ra sáng 21.10, tại Hà Nội.

Người làm muối gặp khó khăn khi tiêu thụ, trong lúc doanh nghiệp đi nhập muối - ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt đề án “Thu mua muối và sản xuất, cung ứng muối I-ốt”. Mục tiêu của đề án này là hằng năm sẽ thu mua khoảng 30 - 40% khối lượng muối do diêm dân sản xuất ra. Thực hiện tốt đề án sẽ giải quyết tốt bài toán được mùa mất giá, cải thiện đời sống cho hơn 7 vạn diêm dân trên cả nước, đồng thời cung cấp muối I-ốt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, góp phần đẩy lùi bệnh tật.

Theo ông Hùng, đây là vụ việc đầu tiên phát hiện được từ trước đến nay và rất có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Để xảy ra sự việc nghiêm trọng tại Công ty TNHH một thành viên hóa chất cơ bản miền Nam, có phần trách nhiệm của các bộ ngành liên quan khi chưa quản lý liên tục từ khâu cấp phép nhập khẩu đến phân phối sử dụng, để lộ ra những “kẽ hở”, tạo cơ hội cho doanh nghiệp lợi dụng. “Phải xử lý nghiêm khắc đối với đơn vị xin nhập nhưng lại sử dụng không đúng mục đích. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước cũng phải kiểm tra nghiêm ngặt khi cấp phép, phải xem xét đến nơi đến chốn đối với đơn vị xin nhập. Cả hai mặt này, chúng ta đều phải xem xét lại một cách nghiêm túc”, ông Hùng lưu ý.

Ông Lưu Hoàng Ngọc - Cục phó Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã tổ chức các đợt kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu muối hạn ngạch thuế quan, cũng đã phát hiện những biểu hiện vi phạm, trong đó đã có một số trường hợp bị dừng cấp hạn ngạch. Cũng theo ông Ngọc, việc giám sát từng khâu trong quá trình nhập khẩu muối đã được quy định rõ ràng.

Theo đó, việc kiểm soát chất lượng muối nhập là trách nhiệm của Tổng cục Hải quan dựa trên tiêu chí do Bộ NN-PTNT ban hành, về mặt sử dụng và sử dụng đúng mục đích là trách nhiệm của Bộ Công thương. Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng Bộ Công thương thực hiện chức năng giám sát sau nhập khẩu mặt hàng muối quá lỏng lẻo, ông Ngọc nói: “Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh. Chúng tôi đã ghi rõ yêu cầu cam kết là muối nhập khẩu không sử dụng mục đích khác ngoài sản xuất hóa chất và y tế, không được trao đổi thương mại. Nếu vi phạm thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Theo ông Ngọc, sau sự cố tại Công ty TNHH một thành viên hóa chất cơ bản miền Nam, Bộ Công thương sẽ thảo luận để xây dựng một khung cơ chế kiểm soát để đảm bảo hạn ngạch thuế quan đúng mục đích.

Có thể tự chủ nguồn muối công nghiệp

Ông Hùng cho hay ngay sau đây, Bộ NN -  PTNT sẽ làm việc với Bộ Công thương để soát xét lại khả năng cung ứng ở trong nước đồng thời soát xét lại nhu cầu thực của các doanh nghiệp cần muối chất lượng cao phục vụ sản xuất để làm sao quản lý được tận gốc, kể cả khâu ủy thác nhập thì mới có thể giải quyết được vấn đề.

Khảo sát của Bộ Công thương cho thấy, doanh nghiệp VN có thể sản xuất được muối chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp. Vì vậy, các bộ quản lý chuyên ngành phải xây dựng chính sách thích hợp để đẩy mạnh sản xuất muối chất lượng cao. Để có thể tự cung ứng được muối cho sản xuất công nghiệp, phải đầu tư ngay vào những nơi sản xuất muối trọng điểm. Hiện nay, đồng muối Quán Thẻ, Bạc Liêu, Cần Giờ, Vĩnh Hảo hoàn toàn có khả năng đầu tư tập trung được.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đầu tư một mức không lớn để hoàn toàn chủ động được muối chất lượng cao phục vụ nhu cầu sản xuất muối công nghiệp trong nước. Bộ sẽ làm việc ngay với Bộ Công thương, các đơn vị sử dụng muối chất lượng cao sau đó báo cáo Chính phủ về việc này”, ông Hùng nói.

Doanh nghiệp nhận sai, Bộ Công thương cố tình bao biện

Ngày 21.10, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Lê Văn Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên hóa chất cơ bản miền Nam, sau khi Thanh Niên đăng bài viết Kiểu gian lận giết chết nghề muối.

“Chúng tôi xin nhận khiếm khuyết”

Ông lý giải thế nào về việc lợi dụng hạn ngạch được cấp để chế biến muối thực phẩm, bán ra thị trường để hưởng lợi?

Những thông tin mà Thanh Niên đăng tải về sai phạm của chúng tôi hầu như đều chính xác. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã sử dụng sai mục đích nhập khẩu khoảng 23.000 tấn muối để chế biến muối thực phẩm, phân phối ra thị trường. Tôi đã không lường được hết những hệ lụy và hậu quả nghiêm trọng khi vụ việc bị phát hiện. Cá nhân tôi là tổng giám đốc công ty xin nhận khiếm khuyết trước tập thể công ty, cơ quan quản lý cũng như đối với cơ quan ngôn luận. Chúng tôi xem đây là bài học lớn, tôi cũng mong muốn cơ quan kiểm soát hoàn tất nhanh các thủ tục để chúng tôi thực hiện khắc phục hậu quả và rút kinh nghiệm.

Việc xin cấp quota nhập khẩu muối có khó khăn hay không? Sau vụ sai phạm này thì liệu Bộ Công thương có tiếp tục cấp quota cho công ty nữa không?

Vào mỗi cuối năm thì chúng tôi gửi văn bản cho Bộ, trong đó nêu rõ công suất nhà máy, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất và gối đầu. Bộ cũng xem xét cân nhắc, xác minh rất kỹ rồi mới cấp. Năm nay Bộ dự kiến cấp hạn ngạch cho chúng tôi 55.000 tấn, chia làm 2 đợt, nhưng sau đợt 1 được nhập 22.000 tấn, đến nay Bộ không cấp nữa.

Như vậy thì công ty sẽ dùng nguyên liệu từ đâu để sản xuất ?

Chúng tôi cũng rất băn khoăn về điều này. Hiện nay nguyên liệu trong kho chúng tôi chỉ còn đủ cho sản xuất 1 tháng nữa. Trước mắt có thể chúng tôi phải nhập khẩu muối với thuế suất ngoài hạn ngạch (50%), từ năm sau chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu mua nguyên liệu từ trong nước. Trong mấy tháng gần đây chúng tôi đã mua được gần 2.000 tấn muối từ Bạc Liêu. Chúng tôi cũng nghiên cứu cách thức để pha trộn muối nhập khẩu và muối trong nước mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng nguyên liệu sản xuất xút, giúp tiêu thụ muối nội địa, giảm nhu cầu nhập khẩu.

Cố tình bao biện

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải, DN dùng muối công nghiệp để tinh chế dùng cho muối sản xuất bột ngọt là sai và DN phải chịu trách nhiệm, phải bị truy thu thuế. Nhưng ông Hải khẳng định: “DN có sai nhưng quy mô không quá lớn bởi so về số lượng muối được nhập khẩu về, DN chỉ dùng 10% sai mục đích, còn 90% nhập khẩu về vẫn sử dụng đúng mục đích. Phần lời của DN rất ít, vì dùng muối công nghiệp phải tinh chế lại, do hợp đồng đã tới hạn mà không mua được muối trong nước nên phải dùng đại, DN không phải là làm để kiếm lời mà giữ uy tín kinh doanh”.

Trả lời câu hỏi, việc một DN được Bộ Công thương cấp hạn ngạch đã sử dụng sai mục đích có thành tiền lệ xấu cho các DN khác không và Bộ Công thương sẽ xử lý như thế nào, ông Hải cho rằng, nếu nhìn kỹ, trong 4 năm DN chỉ sử dụng hơn 23.000 tấn thì không có chuyện ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn tấn muối trong nước, nông dân phơi trắng đồng muối, đời sống cơ cực... như báo viết.

Cũng theo ông Hải, “DN dùng sai 23.000 tấn, thì DN cũng đã dùng trong nước hơn 60.000 tấn để chế biến thực phẩm. Việc các đầu mối khác có làm thế không, không nói trước được, phải kiểm tra. Phát hiện một DN như thế này không phải là con số quá lớn”.

Về vấn đề có tiếp tục cấp quota cho DN này trong những năm tiếp theo không, ông Hải cho rằng phải cân nhắc, nhưng không phải vì người ta sai mà cấm hẳn.

Quang Thuần - M.Hà

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.