Vụ bỏ rơi 700 khách ở Thái Lan: Có thể gửi đơn tố cáo lên công an để bảo vệ quyền lợi

14/07/2013 09:00 GMT+7

(TNO) Trước những động thái trốn tránh của người đứng đầu Công ty TNHH MTV dịch vụ cuộc sống du lịch (Travel Life) với các đối tác, khách hàng, một số luật sư cho hay phía bị hại nên làm đơn khởi kiện Travel Life ra tòa, thậm chí gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi của mình.

(TNO) Trước những động thái trốn tránh của người đứng đầu Công ty TNHH MTV dịch vụ cuộc sống du lịch (Travel Life) với các đối tác, khách hàng, một số luật sư cho hay phía bị hại nên làm đơn khởi kiện Travel Life ra tòa, thậm chí gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an để bảo vệ quyền lợi của mình.

>> Vụ bỏ 700 khách ở Thái Lan: Đến hẹn trả nợ, công ty âm thầm 'biến mất'

“Đơn kiện và tố cáo chính là cơ sở để tòa án lẫn cơ quan công an vào cuộc làm rõ hành vi của Travel Life và người đứng đầu công ty”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, luật sư điều hành Công ty Luật Giải Phóng nói.

Theo ông Hưng, sau khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan công an sẽ xem xét vụ việc và đưa ra quyết định liệu có khởi tố vụ án hay không.


Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với đại diện Travel Life sau sự cố - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Hưng cho biết có nhiều nguồn để cơ quan công an khởi tố hình sự. Có thể là từ đơn tố cáo nhưng cũng có thể từ những thông tin trên báo chí để cơ quan công an vào cuộc.

Trong trường hợp người bị hại làm đơn kiện ra tòa, tòa sẽ thụ lý, xem xét vụ kiện. Nếu doanh nghiệp thua kiện, tòa sẽ bắt buộc doanh nghiệp phải bồi thường cho phía bị hại.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của mình, ông Hưng cho rằng với những công ty làm ăn kiểu này, trên thực tế có thể tài khoản trống rỗng.

“Báo chí đưa tin công ty này có vốn điều lệ 300 triệu đồng. Nhưng cần nhớ rằng vốn điều lệ chỉ là vốn đăng ký chứ không phải vốn cố định. Với vốn đăng ký, anh muốn đăng ký bao nhiêu cứ đăng ký chứ nhà nước không bắt buộc anh phải chứng minh số vốn này”, ông Hưng nhấn mạnh

Do đó, ông Hưng cho rằng trên thực tế, nhiều công ty dịch vụ không có đồng vốn thực tế nào cả. Trong trường hợp này, phía bị hại có thể yêu cầu tòa phong tỏa tài sản của doanh nghiệp nhưng nếu tài khoản của doanh nghiệp bằng không thì việc phong tỏa có cũng như không.

“Như trường hợp này, về trách nhiệm dân sự rất khó đòi và quyền lợi của khách hàng không được bảo đảm. Tài khoản của công ty giờ bằng không thì lấy gì mà trả. Trên thực tế những trường hợp như thế này rất khó xử lý”, luật sư Hưng nói.

Luật sư Phùng Thanh Sơn, Công ty TNHH Thế Giới Luật Pháp cho hay nếu chứng minh được bà Nguyễn Thị Kim Khánh - Giám đốc Travel Life - có dấu hiệu bỏ trốn thì có thể đưa vụ ra xử lý hình sự.

Ở một góc độ khác, ông Sơn cho hay công ty này có vốn điều lệ 300 triệu đồng. Điều này không có nghĩa là khi xảy ra sự cố, trách nhiệm dân sự của công ty chỉ xoay quanh con số 300 triệu đồng mà phải giải quyết mọi hậu quả do mình gây ra, đến khi nào công ty hết khả năng chi trả thì thôi.

“Ngoài việc nộp đơn khởi kiện ra tòa, phía bị hại nên làm đơn tố cáo để cơ quan công an vào cuộc. Từ đây cơ quan điều tra sẽ xem lại hệ thống sổ sách của công ty này thu chi có phù hợp hay không, chủ doanh nghiệp có dấu hiệu tẩu tán tài sản để né tránh bồi thường hay không?”, ông Sơn nói.

Đình Quân

>> Vụ 700 khách Việt bị bỏ rơi: Bồi thường 2,5 triệu đồng/khách
>> Phạt công ty bỏ rơi 700 khách ở Thái thuộc thẩm quyền UBND TP.HCM
>> Vụ bỏ rơi 700 khách du lịch: Bổ sung lỗi thứ 8 của Travel Life
>> Vụ bỏ rơi 700 khách du lịch: Đối tác của Travel Life nói “cũng bị bà Khánh lừa”
>> Vụ 700 khách Việt bị bỏ rơi: Dự kiến phạt Travel Life 70-80 triệu đồng
>> Giám đốc công ty bỏ rơi 700 khách ở Thái: Chúng tôi luôn coi khách là "Thượng đế
>> Vụ 700 khách Việt bị bỏ rơi: Giám đốc Travel Life có dấu hiệu phạm tội
>> Vụ 700 khách Việt bị bỏ rơi ở Thái Lan: Nạn nhân quá bức xúc
>> Tổ chức tour trái phép, bỏ rơi hơn 700 khách ở Thái Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.