Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Đưa hối lộ vì bị dồn vào đường cùng

Bị gây khó khăn, từng phải bán nhà để bù lỗ, Giám đốc Công ty Master Life tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" cho rằng đã không còn sự lựa chọn nào khác và buộc phải xoay tiền để đưa hối lộ.

Chiều 20.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục cho các luật sư và bị cáo khối doanh nghiệp trong vụ án "chuyến bay giải cứu" bào chữa và tự bào chữa.

Doanh nghiệp vụ ‘chuyến bay giải cứu': ‘Chuyến bay 240 chỗ thì đã có 10 hủ tro cốt’

Trong vụ án "chuyến bay giải cứu" này, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Master Life, bị cáo buộc đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 8 người trong 19 lần, với số tiền 8,1 tỉ đồng. Bà Xa bị đề nghị mức án 4 - 5 năm tù.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Đưa hối lộ thành thông lệ vì bị dồn vào đường cùng - Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", luật sư bào chữa cho bị cáo Xa đồng tình với tội danh và 3 tình tiết giảm nhẹ đối với thân chủ, theo cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, luật sư vẫn mong HĐXX xem xét thấu đáo những tình tiết khác để giảm nhẹ cho thân chủ, đề nghị án tù nhưng cho hưởng án treo.

Xem nhanh 20h ngày 21.7: Viện kiểm sát nói Hoàng Văn Hưng 'tráo trở’ | Xôn xao chuột bò trên túi bún

Chủ trương nhân đạo biến thành đại án vì sự nhũng nhiễu

Theo luật sư, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, đáp ứng lời kêu gọi của nhà nước về việc huy động sức người, sức của để đưa công dân về nước, bà Xa đã làm thủ tục xin cấp phép tổ chức các chuyến bay combo, nhưng gặp muôn vàn khó khăn.

Ngoài khó khăn về việc phong tỏa, hạn chế đi lại thì nhiều địa phương không đón khách cách ly, một số đón thì bất cập về khách sạn cũng như việc cấp phép. Do vậy, doanh nghiệp muốn cho khách cách ly phải đặt cọc trước hàng tháng, trong khi việc cấp phép nếu không đúng dự kiến thì sẽ mất tiền đặt cọc. Điều này gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp của Mai Xa ngay từ lần đầu tổ chức chuyến bay đã thiệt hại 1,5 tỉ đồng tiền đặt cọc một khách sạn ở Đà Nẵng, do không xin được cấp phép chuyến bay. Vì hậu quả này, Mai Xa phải bán nhà để bù lỗ, nhưng những khó khăn này chưa là gì so với khó khăn từ việc nhũng nhiễu, làm tiền của một số cán bộ cơ quan nhà nước", luật sư trình bày.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Đưa hối lộ thành thông lệ vì bị dồn vào đường cùng - Ảnh 2.

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu"

TRẦN PHAN

Luật sư cho hay, khi doanh nghiệp đến gặp thì các cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí còn thẳng thừng đòi hỏi, yêu cầu mỗi chuyến bay phải chi 150 triệu đồng. Trong khi đó, việc đưa tiền của các chủ doanh nghiệp không chỉ cho 1 người, 1 cơ quan mà phải cho nhiều người, nhiều cơ quan. Điều này là một rào cản lớn.

Dẫn chứng, luật sư cho hay, tại chuyến bay ngày 30.6.2021, khi chỉ còn 2 ngày nữa là khởi hành, hàng trăm hành khách đang chờ ở sân bay bên Đài Loan, nhưng Cục Lãnh sự chưa chấp thuận. Vì sợ thất bại như chuyến bay trước, bà Xa đã phải chi tiền theo yêu cầu của các cán bộ.

"Và đương nhiên sau đó bà Mai Xa và các bị cáo là doanh nghiệp khác tại phiên tòa này phải đưa tiền theo thông lệ", luật sư nói và khẳng định thân chủ mình cùng các bị cáo doanh nghiệp trong nhóm đưa hối lộ đã bị đặt trong hoàn cảnh bất khả kháng, và điều trớ trêu là phải đưa hối lộ để đồng bào được về nước.

Doanh nghiệp nói buộc phải đưa hối lộ

Trình bày thêm tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", bị cáo Trần Thị Mai Xa cho hay hành vi vi phạm của mình bắt đầu từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 6.2021, và xuất phát từ việc 2 chuyến bay trước đó doanh nghiệp mình đề xuất bị từ chối.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Đưa hối lộ thành thông lệ vì bị dồn vào đường cùng - Ảnh 3.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa trình bày trước HĐXX

TRẦN PHAN

Cụ thể, hồ sơ xin cấp phép 2 chuyến bay đầu tiên được sự đồng ý của 3 bộ, 1 bộ chưa đồng ý. "Lúc đó bị cáo rất sốt ruột và nói rằng tháng 4 đã không được tổ chức chuyến bay rồi, đã phải bán nhà mua lại chuyến bay khác rồi mà cách 2 ngày trước khi bay lại tiếp tục diễn ra điều đó. Bị cáo rất lo lắng, gọi điện lên Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được trả lời rằng "có một chút vướng mắc bên Bộ Công an, em sang đó xem thế nào", bà Xa trình bày.

Theo bà Xa, sau cuộc gọi đó, bà đã "rất run" vì như "chim ngã mà gặp cành cong" và sợ lại thiệt hại một lần nữa, vì đã không còn nhà để bán. Bà Xa sau đó lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an, gặp bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu A08.

"Trong phiên tòa này, anh Cường cũng đã xác nhận khó khăn đó là văn bản của công ty bị cáo bị từ chối vì lý do "sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả", một lý do khiến bị cáo rất ấm ức. Bị cáo đang làm điều rất tốt, làm theo chủ trương nhân đạo mà tại sao lại bị từ chối bởi lý do "sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả nên sếp từ chối văn bản bên em", bà Xa nói.

Để tránh "chim ngã gặp cành cong", bị cáo Xa đã làm việc với Vũ Sỹ Cường và được gợi ý "để giải quyết nhanh thì em nên làm việc theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì sẽ khó lắm". Nhận thấy mình đang là người phụ thuộc, bà Xa cho rằng đã không còn sự lựa chọn nào khác, buộc phải đi xoay tiền để đáp ứng.

Xem nhanh 20h: Những lời hối lỗi vụ “chuyến bay giải cứu"

Đưa hối lộ như một thông lệ

Tiếp mạch cảm xúc, bà Xa cho rằng đã rất ấm ức vì nhẽ ra giai đoạn đầu, sự đồng thuận phải là trách nhiệm của các bộ, ngành chứ không phải của mình. Đáng lẽ Cục Lãnh sự phải đi giải quyết vướng mắc chứ không phải doanh nghiệp.

"Bị cáo rất giận, giận lắm, giận Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì tại sao để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó và đến ngày hôm nay là nguyên nhân dẫn đến 1 loạt các sai phạm của bị cáo, là hành vi đưa tiền cho các cán bộ trong vô thức. Bị cáo không cảm nhận được điều đó, không có ý thức về việc đó nhưng lần đầu ép phải đưa rồi, lần sau cứ thể phải đưa thôi, như một thông lệ", bà Xa nói và cho rằng phải nói để "nhẹ nhàng hơn", muốn được cái nhìn đồng cảm từ HĐXX cho mình, cũng như toàn bộ các bị cáo trong khối doanh nghiệp.

Trình bày thêm, bị cáo Xa cho hay, những chuyến bay mình tổ chức, có chuyến bay 240 chỗ ngồi nhưng trung bình có tới 10 hũ tro cốt được mang về. Khi hỏi tại sao không cấp phép cho doanh nghiệp mình thì bà nhận được câu trả lời "bên đó chưa cấp thiết".

"Vậy bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh, cả thế giới đang hoảng loạn thì thế nào là cấp thiết? Những chuyến bay về có 10 hũ tro cốt của người chết vì tai nạn, vì dịch bệnh, vì nhiễm bệnh… mới chỉ là 10 thôi, nếu chuyến bay có 1 nửa trong số đó hay vài ba chục hũ tro thì như thế nào nữa, có thực sự cấp thiết không? Bị cáo rất ấm ức khi làm một việc ý nghĩa cho đồng bào mà lại bị gây khó khăn như vậy", bà Xa nói.

Phiên xét xử đại án "chuyến bay giải cứu" chiều 20.7 kết thúc sớm. HĐXX thông báo 8 giờ sáng mai 21.7 sẽ tiếp tục làm việc với phần viện kiểm sát đối đáp lại những quan điểm bào chữa của luật sư, cũng như các bị cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.