Vụ củ khoai 80.000 đồng: Vì sao nạn ‘chặt chém’ du khách tràn lan?

05/12/2022 15:37 GMT+7

Nạn “chặt chém” du khách hoành hành ở nhiều điểm đến nổi tiếng ở trong nước, từ Hà Nội cho đến Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM…

Không chừa một ai

Củ khoai 80.000 đồng vừa qua là sự vụ mới nhất của tình trạng “chặt chém” ở Hà Nội nhắm vào khách trong nước. Nhưng du khách nước ngoài cũng không tránh khỏi. Trước đó, vào tháng 7, nữ du khách Dabrowska Malgorzata, quốc tịch Ba Lan đón taxi từ khách sạn Apricot ở Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm đến một khu đô thị tại quận Hai Bà Trưng với giá cước 400.000 đồng.

Cho rằng, tiền cước quá cao so với quy định, khách sạn thay mặt du khách báo Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội. Một tuần sau, Thanh tra Sở Du lịch và Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp đưa tài xế đến khách sạn trao lại số tiền quá cước cho du khách đồng thời yêu cầu tài xế taxi là Phạm Thị Ngọc xin lỗi. Tài xế cũng bị xử phạt 13,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Những người bán dừa rong cạnh các điểm tham quan ở TP.HCM trở thành chủ đề bàn luận trên nhiều diễn đàn du lịch thế giới

nhật thịnh

TP.HCM thì không thể xóa bỏ nạn gánh dừa rong gợi ý khách gánh thử rồi ép mua với giá trên trời. Trên nhiều hội nhóm - diễn đàn du lịch quốc tế, chủ đề gánh dừa ở các điểm tham quan tại TP.HCM như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, công viên gần Nhà thờ Đức Bà, xung quanh Dinh Thống Nhất luôn thu hút nhiều người bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm phòng tránh một cách sôi nổi.

“Trên đường phố, bạn thường bắt gặp những người gánh dừa hoặc trái cây luôn tìm cách tiếp cận du khách nước ngoài. Nhiều du khách ấn tượng với khả năng thăng bằng đòn gánh của người bán nên chụp ảnh hoặc gánh thử. Trong khi bạn chụp ảnh, họ sẽ chặt dừa và khi chụp xong, bạn sẽ khó từ chối quả dừa đã chặt ra đó và phải mua với giá gấp ba - bốn lần so với chỗ khác. Vậy cách nào để tránh? Đơn giản là hãy lờ đi, không tương tác”, một chia sẻ trên diễn đàn du lịch nước ngoài.

Vụ 'ăn 4 củ khoai mất 320.000 đồng' bên Hồ Gươm: Người bán khoai nói gì?

Hội An, Đà Nẵng cũng không thoát “chặt chém”

Hai thành phố du lịch nổi tiếng an toàn ở miền Trung là Hội An và Đà Nẵng cũng không tránh bị du khách tố cáo “chặt chém". Tại Hội An, hồi tháng 7 vừa qua xảy ra lùm xùm việc du khách gửi xe ô tô giá niêm yết 30.000 đồng/lượt nhưng thực thu 50.000 đồng. Thời điểm đó, Hội An đang tổ chức các chương trình kích cầu du lịch sau dịch Covid-19, du khách đến nhiều nhưng tình “chặt chém”, khiến hình ảnh đẹp của Hội An bị ảnh hưởng.

Gánh dừa rong đeo bám du khách trong công viên trước Dinh Thống Nhất

nhật thịnh

Đà Nẵng cũng không thoát khi tháng 6.2022, khách tố bị người đánh giày thu 400.000 đồng trong khi đã thỏa thuận chỉ 20.000 đồng. Sau khi bị đánh giày "chặt chém", người này bức xúc tố trên mạng xã hội: “Tôi cứ nghĩ ở Đà Nẵng đã hết tình trạng đánh giày chèo kéo 'chặt chém' khách đến bây giờ vẫn còn”.

Trước đó, vào năm 2019, quán bún bò ở số 75 đường Nguyễn Chí Thanh đã bị phạt 750.000 đồng vì thu của du khách mỗi tô 80.000 đồng, trong khi giá bán cho người địa phương 40.000 - 50.000 đồng. Hướng dẫn viên du lịch phản ánh liền bị chửi “thấy đắt thì đừng có ăn”, trong khi quán không niêm yết giá.

Bài học từ Sầm Sơn là phạt nặng

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thừa nhận không thể không có chuyện “chặt chém” trên địa bàn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước như Đà Nẵng. “Nhưng chúng tôi đã làm nhiều cách khác nhau để hạn chế tối đa tình trạng này. Với vai trò của hiệp hội có gần 1.000 hội viên pháp nhân và 4.000 hội viên cá nhân, chúng tôi luôn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về tác động xấu của nạn “chặt chém” lên môi trường du lịch địa phương, xa hơn là môi trường du lịch chung của cả nước. Nếu địa phương có môi trường điểm đến an toàn, du khách sẽ đến đông hơn và lợi ích mang lại cho hội viên cũng sẽ cao hơn. Nhận thức của hội viên được nâng cao cũng đã lan tỏa đến cộng đồng dân cư, giúp họ có cái nhìn thấu đáo về môi trường du lịch lành mạnh, qua đó giúp Đà Nẵng luôn giữ vị trí là một trong những điểm đến an toàn nhất”, ông Dũng chia sẻ.

Nạn đeo bám chèo kéo du khách diễn ra thường xuyên ở trung tâm TP.HCM

nhật thịnh

Theo ông Dũng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng luôn đặt lợi ích của điểm đến lên trên hết và phải giữ hình ảnh điểm đến. Đó là một trong những điểm mạnh thu hút du khách của du lịch Đà Nẵng. Vì thế, mỗi khi Đà Nẵng gặp sự cố nào liên quan đến du khách, hiệp hội luôn đứng ra phối hợp cùng cơ quan chức năng của thành phố xử lý. Ngoài ra, Trung tâm xúc tiến du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng luôn công khai đường dây nóng, nếu du khách có bức xúc trước những hành vi, ứng xử không đúng mực của nhà hàng, khách sạn hay bị "chặt chém" thì thông tin để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, chấn chính ngay lập tức.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, cho rằng để hạn chế nạn “chặt chém” du khách, các địa phương cần có chế tài mạnh. “Hãy phạt thật nặng. Tôi quan sát thấy, Sầm Sơn của Thanh Hóa, điểm đến từng mang tiếng ‘chặt chém’ nhiều năm trước nhưng thời gian gần đây đã khắc phục, đem lại hình ảnh đẹp đối với du khách. Tại Sầm Sơn, nếu hàng quán bán quá giá niêm yết sẽ bị phạt 20 - 30 triệu đồng”, ông Huê lấy ví dụ.

Từ năm 2015, Sầm Sơn đã đưa ra chính sách “9 không” để thu hút du khách, trong đó không mồi chài, ép buộc khách sử dụng hàng hóa, dịch vụ; không to tiếng, nặng lời với du khách; không “chặt chém”…; đồng thời công bố hàng loạt số điện thoại nóng để du khách phản ánh trực tiếp. Hình ảnh du lịch Sầm Sơn đã được cải thiện qua từng năm và nhờ đó, lượng khách và doanh thu ngày càng cao. Theo báo cáo của UBND TP.Sầm Sơn, 10 tháng của năm 2022, điểm đến này đã đón hơn 6,8 triệu lượt khách du lịch, phục vụ gần 14 triệu ngày khách. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt gần 14.000 tỉ đồng, gấp 51 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Huê nói thêm, bên cạnh phạt nặng, các điểm đến trong cả nước cần công khai số điện thoại nóng cho du khách và sử dụng các mạng xã hội để du khách kịp thời phản ánh. Bên cạnh đó, cần tập trung người bán hàng rong với du khách là "điếm nhắm" lại thành một khu vực, hướng dẫn họ buôn bán và qua đó, quản lý một cách tốt hơn. Phương án này có thể áp dụng cho TP.HCM với nhiều người bán hàng rong chủ yếu quanh quẩn ở trung tâm quận 1. “Quản lý hàng rong là một trong những cách giữ gìn hình ảnh điểm đến hiệu quả nhất”, ông Huê khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.