Vụ đánh bom Liễu Châu và những bất ổn trong xã hội Trung Quốc

02/10/2015 14:00 GMT+7

(TNO) “Xã hội Trung Quốc hiện đại có nhiều mâu thuẫn và nếu một người nào đó muốn thể hiện sự giận dữ, họ có thể sử dụng thuốc nổ bất kỳ lúc nào”, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc nhận định.

(TNO) “Xã hội Trung Quốc hiện đại có nhiều mâu thuẫn và nếu một người nào đó muốn thể hiện sự giận dữ, họ có thể sử dụng thuốc nổ bất kỳ lúc nào”, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc nhận định.

Một tòa nhà bị hư hại sau hàng loạt vụ nổ bom ở Liễu Châu ngày 30.9 - Ảnh: ReutersMột tòa nhà bị hư hại sau hàng loạt vụ nổ bom ở Liễu Châu ngày 30.9 - Ảnh: Reuters
Chính quyền Trung Quốc gọi vụ đánh bom hàng loạt rung chuyển thành phố Liễu Châu (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc) liên tiếp trong hai ngày 30.9 và 1.10 là “những vụ việc bất ngờ”, cho thấy họ lo ngại về sự ổn định, tình hình an ninh trật tự giữa lúc khoảng cách giàu nghèo còn khá xa và người dân ngày càng bất mãn trước nạn tham nhũng cùng vấn đề ô nhiễm môi trường, Reuters nhận định.
“Xã hội Trung Quốc hiện đại có nhiều mâu thuẫn, và nếu một người nào đó muốn gửi thông điệp thể hiện sự giận dữ hoặc dằn mặt, họ có thể sử dụng thuốc nổ bất kỳ lúc nào”, ông Pan Zhiping, một chuyên gia về an ninh nội địa Trung Quốc thuộc Học viện Khoa học Xã hội Tân Cương (Trung Quốc), cho biết.
“Cảnh sát không thể để ý đến tất cả mọi người”, ông Pan cho biết thêm.
Một khu lao động nghèo ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trung Quốc cấm người dân sở hữu súng; thế nhưng những vụ đánh bom hàng loạt ở Liễu Châu khiến ít nhất 7 người chết và trên 50 người bị thương cho thấy chính quyền Trung Quốc vẫn thiếu kiểm soát đối với những vật liệu, thiết bị chế tạo bom, theo Reuters. Việc cấm người dân sở hữu súng được thực thi nghiêm khắc ở đất nước này, nên những vụ tội phạm liên quan đến súng đạn hiếm khi xảy ra; trong khi đó những khối thuốc nổ thì luôn sẵn có từ ngành công nghiệp khai thác quặng mỏ và pháo hoa.
Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, nơi xảy ra những vụ đánh bom hàng loạt, lại là nơi có nhiều mỏ than và phải dùng nhiều thuốc nổ.
“Vụ đánh bom này cho thấy lỗ hổng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở Trung Quốc. Nó phản ánh việc chính phủ Trung Quốc thiếu kiểm soát việc sở hữu những loại hàng hóa nguy hiểm”, giảng viên Jian Zhang, thuộc khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc đại học New South Wales (Úc) nhận định.
Vấn đề sở hữu thuốc nổ thu hút sự quan tâm dư luận Trung Quốc từ hồ sơ một vụ xét xử được lan truyền trên internet hồi đầu năm 2015. Theo hồ sơ này, vào tháng 9.2014, một tòa án ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tuyên án 3 năm tù giam đối với một người đàn ông sau khi cảnh sát phát hiện trên 20 kg thuốc nổ, gần 100 ngòi nổ và 1,5 km dây cháy chậm trong nhà người này.
Trước tòa, người đàn ông họ Ren nói ông ta có thể dễ dàng mua thuốc nổ, và đã trữ chúng trong nhà hàng chục năm qua mà không hề bị phát hiện, dù không có định đánh bom.
Hồi năm 2014, cảnh sát thành phố Liễu Châu đã bắt giữ một người đàn ông và con trai của ông ta sau khi hai người “bất mãn xã hội, muốn trả thù” và dùng pháo tự chế cho nổ tung các thùng rác tại một quảng trường thành phố, khiến ít nhất một người bị thương, theo Tân Hoa Xã.
Một người bị thương trong vụ đánh bom hàng loạt ở Liễu Châu ngày 30.9 - Ảnh: Reuters
Trong vụ đánh bom ở Liễu Châu, chỉ có một nghi phạm được xác định là Wei Yinyong (33 tuổi). Truyền thông Trung Quốc đưa tin trái ngược về nghi phạm này và vẫn chưa rõ nghi phạm đã bị bắt hay chưa. Cảnh sát Trung Quốc hiện vẫn chưa rõ động cơ vụ đánh bom hàng loạt ở Liễu Châu, nhưng loại trừ khả năng đây là hành động khủng bố. Tân Hoa Xã đưa tin nghi phạm Wei đã thuê nhiều người gửi bưu kiện chứa bom.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc chứng kiến hàng loạt vụ tấn công bằng dao và đánh bom nhắm vào những khu vực đông người như chợ và nhà ga xe lửa, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.