Hệ mặt trời của chúng ta chỉ là một trong nhiều hệ hành tinh của vũ trụ, và cho đến nay, có vẻ như chẳng hệ nào giống hệ nào, từ số lượng các thành viên và loại hành tinh.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học chưa từng chứng kiến hệ hành tinh nào như của sao TOI-178, cách trái đất khoảng 200 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Ngọc Phu, theo báo cáo trên chuyên san Astronomy & Astrophysics.
Tác giả chính của báo cáo, nhà vật lý học thiên thể Adrien Leleu của Đại học Bern (Thụy Sĩ) cho hay 5 trong 6 hành tinh của hệ TOI-178 đang bị khóa chặt với nhau trong một quỹ đạo nhịp nhàng và kỳ lạ, tạo nên sự cộng hưởng hiếm thấy.
Tình trạng tương tự đang xảy ra đối với sao Mộc và các mặt trăng Io, Europa, Ganymede. Io là mặt trăng ở gần sao Mộc nhất so với 3 thiên thể còn lại. Cứ mỗi lần Io hoàn tất 4 vòng xoay, Europa mới xong 2 vòng và Ganymede vỏn vẹn 1 vòng. Đây là mô hình 4:2:1.
Tình trạng quỹ đạo cộng hưởng ở hệ TOI-178 càng phức tạp hơn thế, với 5 hành tinh ngoài cùng di chuyển theo mô hình 18:9:6:4:3.
Điều này có nghĩa là cứ mỗi khi hành tinh ở gần thứ hai hoàn tất 18 vòng xoay, hành tinh thứ ba mới xong vòng thứ 9.
Nếu chuyển động của các hành tinh có vẻ nhịp nhàng, tỷ trọng của chúng lại không như thế. “Có vẻ như một hành tinh với tỷ trọng giống Trái đất đang nằm sát một hành tinh có tỷ trọng bằng phân nửa Hải Vương tinh, và tiếp tục là hành tinh tỷ trọng như của Hải Vương tinh”, theo đồng tác giả Nathan Hara của Đại học Genève (Thụy Sĩ).
Trong khi đó, hệ mặt trời của chúng ta được sắp xếp theo kiểu các hành tinh đặc, đá nằm gần mặt trời nhất, trong khi những hành tinh khí nằm ở bên ngoài.
Chuyên gia Leleu cho hay sự khác biệt trên làm đảo lộn những hiểu biết của con người từ trước đến nay về sự hình thành và tiến hóa của các hệ hành tinh.
Bình luận (0)