Một người lao động đang điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ |
afp |
Giới công tố Mỹ cho biết nhiều người tham gia vào “vụ gian lận lớn nhất lịch sử Mỹ” đã không cưỡng lại được việc mua những chiếc siêu xe như Lamborghini, Ferrari và Bentley, cùng những dinh thự, những chuyến bay riêng và những kỳ nghỉ xa xỉ.
Họ trở nên giàu có nhờ tham gia vào vụ gian lận để lãnh số tiền lên đến 80 tỉ USD, tương đương khoảng 10% gói cứu trợ 800 tỉ USD trong đại dịch Covid-19, còn gọi là Chương trình Hỗ trợ tiền lương (PPP), theo Đài NBC ngày 29.3.
Ngoài ra, còn khoảng 90 tỉ USD bị lừa đảo từ 400 tỉ USD của chương trình hỗ trợ người thất nghiệp, trong đó ít nhất phân nửa do tội phạm quốc tế thực hiện. Chưa hết, còn khoảng 80 tỉ USD có thể đã bị thất thoát từ một chương trình khác nhằm hỗ trợ người dân trong đại dịch.
Tình trạng gian lận nhằm trục lợi từ chương trình cứu trợ trong đại dịch vốn đã phổ biến, nhưng quy mô khổng lồ và hậu quả giờ đây đang trở nên rõ nét.
Bất ngờ thấy tên minh trong danh sách đã nhận 3,4 triệu USD trợ cấp Covid-19 |
“Mời gọi lừa đảo”
Dù ước tính có thể cao hơn thực tế, tổng số tiền bị thất thoát từ các quỹ cứu trợ trong đại dịch có thể sánh với ngân sách 579 tỉ USD trong kế hoạch “khủng” của Tổng thống Joe Biden nhằm chi tiêu trong lĩnh vực hạ tầng trong 10 năm.
“Trước đây chưa từng có chuyện gì như thế. Đó là vụ gian lận lớn nhất thế hệ”, theo cựu công tố viên Matthew Schneider, hiện làm cho công ty luật Honigman tại Michigan.
Hầu hết số tiền thất thoát được cho là không thể thu hồi, nhưng vẫn có cơ hội ngăn chặn tình trạng gian lận tái diễn vì giới chức liên bang cho hay chính phủ dự định sẽ chi tiếp 600 tỉ USD hỗ trợ.
Hàng loạt tội phạm lọt lưới
Theo NBC, trên cả nước Mỹ, đến nay chỉ có 178 người bị kết án vì gian lận trong chương trình PPP. Bộ Tư pháp cho hay sẽ tiếp tục xử lý thêm, nhưng cho dù con số này đạt 2.000 hay 20.000 đi nữa thì giới chuyên môn vẫn cho là một tỷ lệ nhỏ trong vụ siêu gian lận này. Mặt khác, các quan chức tại Quốc hội cho hay họ đang điều tra 6 bên cho vay và cung cấp dịch vụ, trong đó có công ty Bluevine từng chi 4,5 tỉ USD tiền hỗ trợ và quảng cáo rằng doanh nghiệp có thể được chứng nhận đơn xin vay trong vòng 5 phút.
Năm ngoái, chính phủ Mỹ áp dụng quy định xác minh mới nhằm ngăn chặn gian lận, dù thừa nhận rằng các chương trình trong năm 2020 chấp nhận rủi ro về an ninh để được triển khai nhanh chóng.
Chánh thanh tra Bộ Tư pháp Michael Horowitz, người giám sát việc chi tiền hỗ trợ trong đại dịch, cho rằng các chương trình trên rất dễ bị gian lận.
“Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) khi chi tiền chỉ nói với mọi người rằng họ cần điền vào đơn, ký và xác nhận rằng người nhận thực sự là đối tượng thụ hưởng. Dĩ nhiên đó là lời mời gọi bọn gian lận”, theo ông Horowitz.
Thủ đoạn đa dạng
Thủ đoạn của bọn tội phạm cũng đa dạng tùy vào chương trình. Chương trình hỗ trợ người thất nghiệp bị lừa đảo bởi những tội phạm hoạt động riêng lẻ hoặc có tổ chức, sử dụng thông tin cá nhân đánh cắp được để lãnh tiền.
Mỗi thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để gian lận đến 30.000 USD, theo ông Horowitz.
Còn chương trình PPP bị cho là còn hấp dẫn bọn tội phạm hơn nữa. Chương trình này ủy quyền cho các ngân hàng và những cơ sở tài chính khác cấp các khoản vay do chính phủ hỗ trợ dành cho doanh nghiệp. Những khoản vay này có thể không cần hoàn lại nếu những công ty thụ hưởng chi vào kinh doanh.
Gần 10 triệu khoản vay trên đã được miễn hoàn lại, trong đó có nhiều khoản lên đến hàng triệu USD.
Giới chuyên môn cho rằng người vay đã kê khống số lượng nhân viên và lập công ty ma. Hầu hết trong năm 2020, các bên cho vay rất ít xác minh đơn, một phần do quốc hội yêu cầu SBA ra hướng dẫn rõ rằng nhằm giải ngân nhanh, bên cho vay sẽ không chịu trách nhiệm nếu bên vay không đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình, theo các công tố viên và chuyên gia.
Văn phòng Kiểm toán chính phủ đã cảnh báo về nguy cơ gian lận, nhưng chương trình vẫn tiếp diễn. Không ai biết rõ con số thất thoát chính xác. Một nghiên cứu năm ngoái ước tính rằng ít nhất 76 tỉ USD có thể đã bị gian lận.
Tổng thanh tra của SBA đã xác định 78,1 tỉ USD có thể bị gian lận trong chương trình EIDL, một chương trình khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch. Trong khi đó, Mật vụ Mỹ ước tính con số này là 100 tỉ USD.
Theo ông Haywood Talcove, CEO tại công ty LexisNexis Risk Solutions phối hợp với chính phủ để xác minh danh tính, thủ đoạn cơ bản là “rất đơn giản”, khi bọn tội phạm lên các trang web chính phủ lấy tên những doanh nghiệp hoặc đăng ký doanh nghiệp giả.
Bình luận (0)