Vụ hàng ngàn công nhân vệ sinh bị 'treo' lương: 'Chúng tôi hết sức rồi'

10/06/2014 09:02 GMT+7

(TNO) Liên quan đến vụ hàng ngàn công nhân vệ sinh bị “treo” lương, theo tìm hiểu thêm của phóng viên Thanh Niên Online, việc chậm trễ về mặt thủ tục pháp lý khiến áp lực lớn đè lên doanh nghiệp và người lao động.

Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh lượng rác lên đến khoảng 7.500 tấn - Ảnh: Đình Phú
Mỗi ngày, TP.HCM phát sinh lượng rác lên đến 7.500 tấn - Ảnh: Đình Phú

>> Hàng ngàn công nhân vệ sinh bị 'treo' lương

Theo tìm hiểu của phóng viên, công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn TP.HCM từ nhiều năm qua do các doanh nghiệp công ích thực hiện, nhưng việc phân phối nhiệm vụ lại không đồng nhất.

Tại các quận 2, 3, 9, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, UBND TP.HCM ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ vệ sinh đô thị (thu gom, vận chuyển rác; bảo quản nghĩa trang, thu nhặt xác tử thi…).

Do khối lượng công việc lớn, nên tại các quận, huyện này, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO), CITENCO tiếp tục ký với các doanh nghiệp công ích cấp quận, huyện thực hiện. 

Các quận, huyện còn lại thì ngân sách thành phố phân bổ trực tiếp về từng quận, huyện cụ thể, và UBND quận, huyện giao lại cho doanh nghiệp công ích trực thuộc thực hiện.

Trong mỗi dịch vụ vệ sinh công cộng, mỗi quận, huyện thực hiện theo mỗi cách khác nhau. Tại quận 3, việc thu gom, vận chuyển rác thì Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ Công ích quận 3 ký với CITENCO; chăm sóc cây xanh, quét dọn đường phố thì ký với UBND quận; nạo vét cống thì ký với UBND phường…

Vay mượn, cầm cố tài sản

Từ đầu năm 2014 đến nay (đã 6 tháng), các hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ vệ sinh đô thị vẫn chưa được ký kết giữa các bên dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy cho người lao động. Hàng ngàn công nhân vệ sinh bị “treo” lương suốt nhiều tháng.

Sáng nay 10.6, tại cuộc họp UBND TP.HCM, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng để thanh toán chi phí vận chuyển, thu gom rác nhằm chi trả tiền lương cho công nhân. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lại kiến nghị UBND TP.HCM ký ủy quyền thì sở mới ký hợp đồng được.

Một lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM cho biết đang chờ ý kiến về cơ sở các định mức lương tối thiểu. Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Văn phòng UBND thành phố tổng hợp báo cáo để trình Chủ tịch UBND thành phố giải quyết.

Bà Lê Thị Hoa, 76 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải công nông (vận chuyển rác địa bàn quận 4 và 11) cho biết nhiều tháng qua bà “lo đến mức ngủ không được vì như đang ngồi trên lửa”.

Theo bà Hoa, hợp tác xã của bà đang bị nợ tiền vận chuyển rác lên đến 30 tỉ đồng. Đơn vị cung ứng xăng dầu cho xe hợp tác xã vận chuyển rác cứ đến đòi miết nhưng không biết cách nào trả được hết. Có xã viên phải cầm cố tài sản để lo chi phí xăng dầu.

Hợp tác xã vận tải công nông có 31 xe ép rác loại lớn, 8 xe ép rác loại nhỏ, 2 xe xúc. Xe rác nếu không dùng vào việc vận chuyển rác thì cũng không tận dụng để khai thác chở hàng hóa gì khác được nên dù lâm vào tình thế bi đát nhưng “cũng đành bấm bụng mà chịu” để chờ ngày hợp đồng được ký kết và được nhận tiền vận chuyển.

Hơn 150 người của hợp tác xã (bao gồm công nhân, xã viên) hiện vẫn chưa biết lúc nào được ký hợp đồng nhưng hằng ngày vẫn phải đi thu gom, vận chuyển rác.

Hơn 300 lao động của Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ Công ích quận 3 cũng lâm vào tình cảnh tương tự, với khoản tiền bị nợ khoảng 25 tỉ đồng.

Một lãnh đạo của công ty cho biết, vì là doanh nghiệp công ích nên không thể cầm cố tài sản, nhưng công ty đã phải xoay đủ bề để ứng phó “khiến tình hình rối cả lên”. “Nếu nợ kéo dài nữa thì hết sức chịu đựng, hết khả năng xoay sở”, vị này nói.

Áp lực dây chuyền

CITENCO là một trong những đầu mối ký lại hợp đồng với các doanh nghiệp công ích làm nhiệm vụ vệ sinh đô thị, nhưng bản thân CITENCO cũng lâm vào thế kẹt mặc dù đã nhiều lần “cầu cứu để giải vây”.

Tổng khối lượng mà CITENCO và các đơn vị liên kết đã thực hiện ước tính trên 300 tỉ đồng nhưng cũng đang bị nợ. Lãnh đạo CITENCO phải đi vay tín chấp để “chữa cháy từng khâu”. Chỉ riêng CITENCO đã có khoảng 1.800 công nhân vệ sinh.

Từ đầu tháng 5.2014, Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ Công ích quận Thủ Đức đã gửi văn bản đến CITENCO đề nghị gia hạn hợp đồng kinh tế (ký cho năm 2013) để tạm ứng kinh phí cho công tác thu gom, vận chuyển rác (năm 2014) nhưng hiện tại CITENCO vẫn không thể giải quyết.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rất muốn ký hợp đồng đặt hàng với CITENCO để CITENCO ký lại với các đơn vị khác nhưng cũng không thể tiến hành vì không có cơ sở để ký (do UBND thành phố chưa ủy quyền).

Trị giá khối lượng công việc đã thực hiện lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng chưa được thanh toán bất cứ chi phí nào nên “chúng tôi cũng hết sức (chịu đựng) rồi”.

Theo thông lệ từ nhiều năm qua, UBND TP.HCM ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ vệ sinh đô thị vào khoảng thời gian đầu năm, nhưng hiện đã đến giữa năm mà việc ký hợp đồng thì vẫn “giữa trời bao la”.

Khoản 2, điều 6 Nghị định 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phương thức cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc dự toán chi của ngân sách địa phương và giao cho các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện theo quy định”.

Việc chậm trễ về mặt thủ tục pháp lý khiến áp lực từ doanh nghiệp lớn đè lên doanh nghiệp nhỏ, và kết cục công nhân vệ sinh trực tiếp hằng ngày làm sạch đô thị gánh chịu thiệt thòi.

Hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh đến khoảng 7.500 tấn rác. Nếu không tiến hành thu gom và vận chuyển chỉ trong một thời gian ngắn, lượng rác ứ đọng ở nội thành thật sự là khổng lồ.

Vẫn đang xây dựng mức lương tối thiểu

Sau khi xảy ra vụ giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng” (có người nhận 2,6 tỉ đồng/năm) vào giữa năm 2013, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất mức lương tối thiểu cho năm 2013 và năm 2014 để Sở Tài chính bố trí dự toán chi ngân sách năm 2014 đối với lĩnh vực dịch vụ công ích, báo cáo trước ngày 31.8.2013.

Ngày 13.9.2013, UBND TP.HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo trước ngày 15.10.2013 về mức lao động thực tế của các doanh nghiệp công ích và kiểm tra trên thực tế để điều chỉnh bộ định mức lao động.

UBND TP.HCM cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp các sở Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mức lương bình quân đối với từng lĩnh vực để làm cơ sở xây dựng đơn giá sản phẩm công ích, báo cáo UBND thành phố trước ngày 1.11.2013.

Cho đến thời điểm này, quy định mới về mức lương tối thiểu, đơn giá sản phẩm công ích vẫn chưa được ban hành. Dự kiến hôm nay 10.6, UBND TP.HCM nghe báo cáo về xây dựng mức lương tối thiểu để tính đơn giá tiền lương sản phẩm dịch vụ công ích.

Đình Phú

>> Nhà máy xăng sinh học nợ lương công nhân 3 tháng
>> Nợ lương công nhân, giám đốc bỏ trốn
>> Ba chủ doanh nghiệp nợ lương công nhân bỏ trốn
>> Nợ lương công nhân gần 1 tỉ đồng, giám đốc “mất liên lạc”
>> Bị nợ lương, công nhân khốn khổ
>> Nợ lương công nhân gần 1 tỉ đồng suốt 4 năm không trả
>> Hải Phòng: Bị nợ lương, công nhân có nhiều hành động quá khích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.