Trường ĐH không lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt đúng hay sai?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/08/2024 14:37 GMT+7

Sau 23 năm kể từ khi tốt nghiệp ĐH, hồ sơ tuyển sinh của người học có còn được lưu hay không? Các trường ĐH quy định về việc lưu trữ hồ sơ của sinh viên ra sao?

Trường ĐH không còn lưu hồ sơ tuyển sinh

Mới đây, đại diện Trường ĐH Hà Nội (Trường ĐH Ngoại ngữ trước đây) thông tin với báo chí là ông Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) đã học ngành ngôn ngữ Anh hệ đào tạo từ xa của trường, với thời gian học từ năm 1994 đến năm 2001.

Theo đại diện trường này, thời gian đào tạo tối đa của chương trình đào tạo từ xa giai đoạn ông Vương Tấn Việt học là 9 năm. Đến nay, sau 23 năm ông Việt tốt nghiệp, vị đại diện cho biết hiện Trường ĐH Hà Nội không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Việt.

Trường ĐH không lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt đúng hay sai?- Ảnh 1.

Ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang)

ĐỘC LẬP

Như vậy, trước khi ông Việt lấy văn bằng 2 ngành luật (hình thức vừa làm vừa học) và bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Luật Hà Nội, ông Vương Tấn Việt đã học văn bằng 1 ĐH tại Trường ĐH Ngoại ngữ.

Điều đó cũng có nghĩa Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường ĐH Hà Nội) là nơi ông Vương Tấn Việt từng nộp bằng THPT làm điều kiện tuyển sinh đầu vào để theo học bậc ĐH.

Bộ Nội vụ đề nghị giám sát chức sắc, nhà tu hành

Tuy nhiên, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD-ĐT; không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6.6.1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM.

Bộ GD-ĐT đang phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác về bằng tốt nghiệp của ông Việt.

Hồ sơ tuyển sinh của sinh viên sẽ được hủy sau thời gian bao lâu?

Một đại diện của Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cơ sở TP.HCM cho biết các trường ĐH thực hiện việc lưu trữ hồ sơ của sinh viên theo quy định tại Thông tư quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành vào tháng 12.2016, có hiệu lực vào tháng 2.2017.

Theo đó, những tài liệu liên quan đến sinh viên được trường ĐH lưu vĩnh viễn gồm quyết định trúng tuyển, danh sách trúng tuyển, điểm chuẩn, kết quả học tập của sinh viên theo học kỳ, năm học, khóa học.

Đối với đồ án, khóa luận tốt nghiệp đạt yêu cầu của sinh viên, trường sẽ lưu 20 năm, không đạt yêu cầu lưu 5 năm. Các bài thi, tài liệu liên quan đến thi, xét tốt nghiệp của sinh viên được lưu trong 2 năm.

"Trong khi đó, hồ sơ đăng ký dự tuyển của thí sinh, bài thi, các tài liệu khác liên quan đến tuyển sinh sẽ được lưu trữ đến hết khóa học. Vì thế các bản photo bằng tốt nghiệp THPT, chứng minh nhân dân, học bạ THPT... của sinh viên, sau khi sinh viên tốt nghiệp là có thể hủy", vị đại diện này chia sẻ.

Theo thông tư này, mức xác định thời hạn bảo quản cho mỗi hồ sơ, tài liệu cụ thể của cơ quan, đơn vị không được thấp hơn mức quy định của thông tư.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết tại Trường ĐH Công thương TP.HCM, hồ sơ tuyển sinh của sinh viên được lưu trữ kể từ lúc sinh viên bắt đầu học ĐH cho đến khi sinh viên tốt nghiệp ĐH được 4 năm. Nghĩa là khoảng thời gian mà trường lưu trữ các giấy tờ khi nhập học của sinh viên là 8 năm.

"Hồ sơ này bao gồm bản photo bằng tốt nghiệp THPT, giấy báo trúng tuyển, photo chứng minh thư nhân dân (hoặc căn cước công dân), bảng điểm học bạ THPT... Sau khi sinh viên tốt nghiệp, trường vẫn giữ lại hồ sơ thêm 4 năm để đề phòng có trường hợp phát sinh như kiện cáo...", thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho hay.

Như vậy việc Trường ĐH Hà Nội không còn lưu hồ sơ tuyển sinh của ông Vương Tấn Việt sau 23 năm kể từ ngày ông Việt tốt nghiệp, là không sai với quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.