Vũ khí Hàn Quốc trên hành trình phủ sóng toàn cầu

22/02/2024 07:14 GMT+7

Sau phim truyền hình và K-pop, cũng như xe hơi và thiết bị điện tử, đến lượt vũ khí trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, quốc gia có tham vọng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới trong vòng 4 năm nữa.

Hồi đầu tháng 2, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này sẽ cung cấp cho Ả Rập Xê Út các hệ thống phòng không theo thỏa thuận trị giá 3,2 tỉ USD mà hai bên ký kết vào tháng 11 năm ngoái, theo Reuters. Cùng với hàng loạt hợp đồng mua bán vũ khí khác được ký kết trong vài năm trở lại đây, Hàn Quốc đang vươn lên trở thành một tay chơi quan trọng trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Bùng nổ mạnh mẽ

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, trụ sở tại Thụy Điển), Hàn Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới trong giai đoạn 2018 - 2022. Đây là một trong 2 quốc gia châu Á lọt vào danh sách 25 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu (nước còn lại là Trung Quốc ở vị trí thứ 4). Đáng chú ý hơn là trong khoảng thời gian 5 năm này, doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc đã tăng 74% so với giai đoạn 2013 - 2017.

Vũ khí Hàn Quốc trên hành trình phủ sóng toàn cầu- Ảnh 1.

Pháo tự hành K9A2 tại nhà máy của công ty Hanwha

AFP

Kể từ khi xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào tháng 2.2022, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về tên tuổi trên toàn cầu. Khi kho vũ khí ở các quốc gia ủng hộ Kyiv bắt đầu vơi đi, Seoul đã nhanh chóng nhảy vào, cung ứng đạn pháo cho những nước như Mỹ thay vì bán trực tiếp cho Ukraine. Doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc đạt 17,3 tỉ USD trong năm đó, tăng hơn gấp đôi so với năm 2021, theo trang Breaking Defense.

Trong năm 2022, các công ty Hàn Quốc đã giành được loạt hợp đồng với tổng giá trị gần 14 tỉ USD để bán xe tăng, lựu pháo, máy bay chiến đấu và các hệ thống rốc két phóng loạt cho Ba Lan, láng giềng của Ukraine, theo Financial Times. Theo Bloomberg, Hàn Quốc cũng đã bán lựu pháo cho Ai Cập, Estonia, Phần Lan và Na Uy, cũng như bán tàu tuần tra cho Peru. Song song với đó, Seoul tiếp tục mở rộng thị trường truyền thống ở châu Á và châu Đại Dương, khu vực chiếm 63% doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc trong giai đoạn 2018 - 2022, theo SIPRI.

Hàn Quốc nắm bắt cơ hội chen chân vào nhóm nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới

Vào tháng 11.2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã công khai mục tiêu đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027. Nếu dựa theo bảng xếp hạng của SIPRI nói trên, mục tiêu này có nghĩa là Hàn Quốc sẽ cần phải vượt qua Trung Quốc, và chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp.

Cạnh tranh nhờ đâu ?

Theo báo Nikkei Asia, năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã được mài giũa nhờ thực tế rằng quốc gia này luôn phải lo đối phó với CHDCND Triều Tiên trong suốt 7 thập niên qua. Song các công ty vũ khí của Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm từ phục vụ nhu cầu an ninh trong nước sang định hướng xuất khẩu trong những năm gần đây.

Một nhà phân tích quốc phòng lưu ý rằng khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc đến từ một số yếu tố then chốt và riêng có. "Đầu tiên, thời gian giao hàng nhanh. Thứ hai, hiệu quả và năng lực sản xuất. Thứ ba, sự sẵn sàng quyết liệt của chính phủ trong việc hỗ trợ các công ty quốc phòng. Thứ tư, nhu cầu cao về các sản phẩm quốc phòng xuất phát từ việc đối phó với Triều Tiên và Trung Quốc tại khu vực", CNBC dẫn lời vị chuyên gia.

Theo trang Breaking Defense, các công ty vũ khí lớn nhất Hàn Quốc - bao gồm Hanwha Aerospace, LIG Nex1, Korea Aerospace Industries (KAI) và Huyndai Rotem - đều giữ cho dây chuyền sản xuất luôn trong tình trạng hoạt động để có thể dễ dàng chuyển sang đáp ứng đơn hàng từ nước ngoài. Cùng lúc, nhờ sản xuất vũ khí ở quy mô lớn hơn nhiều đối thủ phương Tây, Hàn Quốc có thêm khả năng cạnh tranh về giá, theo tờ Financial Times.

An ninh quốc phòng thế giới sẽ diễn biến ra sao?

Đông Nam Á mua gì từ Hàn Quốc ?

Theo Bloomberg, công ty KAI đã giành được hợp đồng bán 18 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 cho Malaysia với giá 920 triệu USD. Philippines đã chọn HD Hyundai Heavy Industries làm nhà cung cấp tàu hộ vệ và tàu tuần tra với tổng chi phí hơn 900 triệu USD. Trong khi đó, Thái Lan đã quay sang Hàn Quốc để mua cả tàu hộ vệ và máy bay huấn luyện.

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở tại Anh), tổng cộng các công ty Hàn Quốc đã ký các hợp đồng trị giá hơn 8 tỉ USD để cung cấp các hệ thống phòng thủ phức tạp, bao gồm tàu ngầm và máy bay chiến đấu, cho các khách hàng ở Đông Nam Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.