Vụ kit test Việt Á: 37/38 bị cáo được tuyên án dưới khung truy tố

13/01/2024 06:46 GMT+7

Ngoài bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, 37 bị cáo còn lại trong "đại án" kit test Việt Á đều được tuyên mức án dưới khung truy tố.

Chiều 12.1, sau 10 ngày mở phiên tòa, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ KH-CN và một số địa phương.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án chiều 12.1Ảnh: TRẦN PHAN

Các bị cáo nghe tòa tuyên án chiều 12.1

TRẦN PHAN

"CÔNG, TỘI" PHÂN MINH

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), vụ án xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan vào VN, chưa từng có tiền lệ. Khi ấy, cả hệ thống chính trị phải gồng mình chống dịch, người dân lo sợ trước hậu quả mà dịch bệnh gây ra. Do trang thiết bị y tế còn thiếu, một số nơi đã lâm vào thế "vỡ trận"; đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới sai phạm.

Toàn cảnh mức án 38 bị cáo trong ‘đại án’ kit test Việt Á

Dù vậy, HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; gây bức xúc xã hội, mất niềm tin trong nhân dân; gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách; thể hiện sự băng hoại giá trị đạo đức trong một bộ phận cán bộ công chức. Việc đưa các bị cáo ra xét xử và có bản án nghiêm khắc là cần thiết, nhằm trừng trị những cá nhân đi ngược lại với lợi ích chung của nhân dân.

Về tính chất đồng phạm, bản án cho rằng mỗi bị cáo đều tiếp nhận ý chí của nhau ở một mức độ, mỗi người là "mắt xích" trong tổng thể sai phạm... Vì thế, đây không phải vụ án có tính chất phạm tội có tổ chức.

Đáng chú ý, HĐXX cho hay trong vụ án này tòa đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa "công" và "tội" trước khi đưa ra hình phạt đối với từng bị cáo. Trong đó, HĐXX ghi nhận Công ty Việt Á, cụ thể là bị cáo Phan Quốc Việt và các nhân viên, đã có đóng góp tích cực về con người, máy móc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Tương tự, với các cựu quan chức và cán bộ thuộc các bộ ngành, địa phương, nhiều người đã "có công lao rất lớn", "đặc biệt tích cực", xung phong trên các chiến tuyến phòng và dập dịch Covid-19. Trong số này có bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế; bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN; bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; các bị cáo là cán bộ trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành…

Riêng với những người đã nộp tiền và khắc phục hết hậu quả, là cấp dưới lệ thuộc, làm công ăn lương, đồng phạm với vai trò thứ yếu hoặc không hưởng lợi…, HĐXX cho hay sẽ áp dụng mức án dưới khung truy tố hoặc mức án bằng thời gian tạm giam.

36 BỊ CÁO NHẬN MỨC ÁN DƯỚI KHUNG, 1 BỊ CÁO ĐƯỢC MIỄN TỘI

Với tinh thần như đã nêu, bị cáo Phan Quốc Việt là người duy nhất bị tuyên mức án trong khung truy tố, với tổng hình phạt 29 năm tù về 2 tội vi phạm đấu thầu và đưa hối lộ. Trước đó, bị cáo Việt đã bị Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội tuyên bản án 25 năm tù, cũng liên quan đến kit test Việt Á.

Vụ án có 6 cựu quan chức bị truy tố tội nhận hối lộ, với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, cả 6 người đều được hưởng mức án dưới khung. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thanh Long (nhận 2,25 triệu USD) 18 năm tù; bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương (nhận 27 tỉ đồng) 13 năm tù; bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng thuộc Bộ KH-CN (nhận 350.000 USD) 14 năm tù; bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế (nhận 300.000 USD) 8 năm tù; bị cáo Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của bị cáo Nguyễn Thanh Long (nhận 4 tỉ đồng) 9 năm tù; bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng thuộc Bộ Y tế (nhận 100.000 USD) 7 năm tù.

Xem nhanh 12h ngày 13.1: Toàn cảnh mức án 38 bị cáo trong “đại án” kit test Việt Á

Ngoài ra, còn có 3 bị cáo bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, bị tuyên 4 năm tù; bị cáo Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, 5 năm tù; bị cáo Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương, 4 năm tù.

2 người bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, gồm bị cáo Chu Ngọc Anh và bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN), cùng bị tuyên 3 năm tù.

25 bị cáo còn lại bị tuyên một trong các tội đưa hối lộ, vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Những bị cáo này chịu mức án thấp nhất là 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 15 năm tù.

Ngoài 37 bị cáo trên, bị cáo Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương, là người duy nhất được tòa sơ thẩm quyết định miễn trách nhiệm hình sự về tội vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Lý do, mặc dù đã có thể nghỉ hưu trước thời hạn, nhưng khi được đề nghị, bị cáo Danh vẫn chấp nhận ở lại để sát cánh cùng đồng nghiệp trong "cuộc chiến" với đại dịch Covid-19. Quá trình thực hiện tuy có xảy ra vi phạm, nhưng tòa xác định bị cáo Danh đã "dám nghĩ, dám làm", vì sức khỏe của nhân dân. Bị cáo nhiều lần từ chối nhận tiền của Công ty Việt Á, đồng thời cảnh báo nhân viên dưới quyền khi tiếp xúc với công ty này.

Bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á

Bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á

TRẦN PHAN

BỊ CÁO PHAN QUỐC VIỆT PHẢI BỒI THƯỜNG HÀNG TRĂM TỈ ĐỒNG

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cho hay theo nguyên tắc thì những người gây thiệt hại phải có trách nhiệm liên đới bồi thường. Tuy nhiên, ở vụ án này, tòa xét thấy toàn bộ thiệt hại của vụ án là số tiền Công ty Việt Á thu lợi bất chính từ việc bán kit test nâng khống giá. Do đó, HĐXX không buộc 21 bị cáo thuộc nhóm tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng phải bồi thường, mà buộc bị cáo Phan Quốc Việt liên đới bồi thường hơn 402 tỉ đồng thiệt hại tại 19 tỉnh, thành liên quan.

Riêng với số tiền thiệt hại gần 19 tỉ đồng vì đề tài nghiên cứu kit test bị chuyển quyền sở hữu từ nhà nước sang Công ty Việt Á, do Tòa án Quân sự thủ đô đã giải quyết, nên HĐXX không xem xét trong vụ án này.

Với 788 tỉ đồng mà 193 đơn vị, tổ chức, cá nhân còn nợ Công ty Việt Á từ các hợp đồng mua bán kit test, vật tư y tế, tòa tuyên công ty này có quyền thỏa thuận, yêu cầu thanh toán trên cơ sở đơn giá đã được xác định từ tài liệu vụ án, là 143.000 đồng/kit test...

Vẫn theo HĐXX, quá trình giải quyết vụ án, tòa đánh giá cao về thái độ của các bị cáo trong việc khắc phục hậu quả. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ 2,25 triệu USD và 100 triệu đồng, bị cáo Phạm Duy Tuyến nộp hơn 15,3 tỉ đồng, bị cáo Chu Ngọc Anh nộp 4,6 tỉ đồng, bị cáo Phạm Xuân Thăng nộp 4 tỉ đồng… Bị cáo Phan Quốc Việt cũng nộp 100.000 USD và 200 triệu đồng, đồng thời đề nghị được dùng các tài sản đang bị kê biên để phục vụ cho việc khắc phục thiệt hại.

Với 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Việt và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này, tổng trị giá hơn 142 tỉ đồng, HĐXX cho rằng đều là tài sản có được từ việc bán kit test của Công ty Việt Á, nên không trả lại mà tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án.

Nâng khống giá kit test, lấy tiền hối lộ quan chức

Theo cáo buộc, sau khi chiếm dụng kết quả nghiên cứu đề tài kit test vốn thuộc sở hữu nhà nước, Công ty Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit test, nâng khống giá rồi bán cho các cơ sở y tế trên khắp cả nước, qua đó thu lợi bất chính hơn 1.235 tỉ đồng. Tính riêng tại 19 tỉnh, thành mà vụ án này xét xử, số tiền thiệt hại tại các cơ sở y tế sử dụng ngân sách để mua kit test là hơn 402 tỉ đồng. Để thuận lợi trong việc cấp phép và phân phối kit test, bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, chi tới hơn 106 tỉ đồng hối lộ quan chức các bộ, ngành, địa phương...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.