Ngày xưa mà tôi nói đến là cách đây khoảng hơn 30 năm trở về trước, xứ Quảng quê tôi không ít phụ nữ làm nghề đón đường. Đón đường là một cách đi buôn rất tội nghiệp của một thời đã qua. Những người phụ nữ hành nghề này mà hầu hết là những người làm mẹ, có khi đã làm bà.
Họ không có hàng quán cố định ở chợ, không có nghề nghiệp, nhà không có đất làm nông, vốn liếng lại không là bao. Để kiếm sống, lo cho gia đình, họ làm nghề mua lại hàng hóa (đồ) mà người đi chợ bán, chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm rồi gánh, đội đến chợ bán lại để kiếm lời từng đồng, từng xu một. Họ đến đứng ở những điểm đường mà nhiều người đi chợ thường có đồ bán để mua lại. Điểm đứng để đón đường cách chợ ít nhất năm, bảy cây số trở lên.
Vì sao vậy? Bởi lẽ, xa chợ nên người đi chợ có đồ bán, thấy khoảng cách xa mà gánh, đội đồ xuống chợ thì mệt người; thứ hai xuống đến chợ sợ đồ mình bán, chợ lại có nhiều, mình bán không được giá, hơn nữa có khi đồ mình bán không được, nhất là các loại rau để đến trưa thì khô héo, bán rẻ thì tiếc công sức làm ra của mình nên thường bán cho người đón đường cho tiện, an toàn hơn. Các bà, các mẹ đón đường mua từ nhúm khoai, bát đường đen, mủng sắn, nải chuối , trái cà, mớ cá đồng, bó củi, sợi mây, búp măng… rồi họ gồng gánh, đầu đội, tay xách, tất tả đi như chạy đến chợ cho sớm để bán vì lo sợ chợ tan…
Để đón đường, các mẹ, các bà dậy rất sớm, có khi nhịn đói, lọ mọ đi bộ trên những con đường đất mấp mô, đường đá gồ ghề, đường bờ thửa trơn trượt, đôi lúc vấp ngã, tróc cả móng chân, tóe máu, nhức đến buốt óc trông mà tội. Những ngày đông tháng rét, họ như con cò lặn lội, mang áo tơi đội nón lá ngồi giữa đường chờ đợi người đi chợ có bán được gì không để được mua mà le te đội mưa xuống chợ, có khi ướt như chuột lột, ngồi bó gối co ro giữa chợ để kiếm củ khoai, lát sắn cho bầy con đang đói ngóng cổ trông đợi ở nhà. Những ngày hè nóng bức, họ vẫn ngồi đợi toát mồ hôi giữa trời nắng chói chang cho đến khi mua được cái gì đó mới đến chợ, thấy mà nao lòng. Họ rất vui khi có ngày nào đó mua được đồ bán lời nhiều. Nhưng có khi họ cũng mừng hụt vì đồ đội trên đầu đến sái cổ, gánh trên vai đến còng lưng, có khi bị xỉu trên đường, cố hối hả đến chợ, cứ ngỡ được lời nhiều song than ôi lại bị lỗ, khuôn mặt họ thẫn thờ khi buổi chợ tàn, thấy mà tội nghiệp. Tội thế, nhưng dẫu ngày nắng, ngày mưa họ cũng đi đón đường chỉ trừ những ngày lũ ngập đường, bão tốc liếp tranh, họ mới ở nhà. Không nói ra, song lòng họ nặng trĩu những nỗi lo, họ vô ra hết nhìn trời rồi nhìn đất mong cho bão lũ đi qua để họ lại đón đường kiếm sống cho con.
Nghề đón đường giờ đây không còn nữa. Hình ảnh các mẹ, các bà gầy nhom, tiều tụy, xác xơ như tàu lá chuối khô, dù nắng mưa vẫn đứng ở các ngả đường quê mua đi bán lại từng cọng hành, mớ rau… giờ đây không còn nữa. Ngày nay, người đi chợ với đủ loại phương tiện giao thông trên những con đường bê tông, đường nhựa thẳng tắp, có đồ thì họ chở trên xe đến tận chợ bán nên người đón đường không còn có cơ hội đón đường nữa. Hình ảnh những người mẹ, người bà, nắng mưa đứng trên con đường quê xưa gập ghềnh, mấp mô, bờ bụi để làm công việc đón đường đã lùi sâu vào dĩ vãng song trong đáy sâu tiềm thức ở mỗi chúng tôi, họ cứ như còn đâu đây, như cứ mãi ám ảnh trong những người con có mẹ làm nghề đón đường, trong đó có mẹ tôi. Và giờ đây mẹ tôi cũng như các bà mẹ đón đường ngày xưa, ai nấy đều lưng còng, gối mỏi, đầu đau. Đêm đêm, nghe tiếng rên của mẹ mà lòng tôi cứ nhói lên. Những khi “trái gió trở trời”, cả người mẹ tôi nhức mỏi, đụng đâu đau đó, thấy mà tê điếng lòng.
|
Bình luận (0)