|
Trước đó, Thanh Niên từng có bài phân tích những bất thường của vụ án và đặt vấn đề có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Thợ sửa ống nước bán đất “ảo”
Theo cáo trạng, năm 2009, Nguyễn Tấn Tài đến nhà ông Khưu Bạch Sinh (Q.Bình Thạnh) sửa chữa ống nước và “nhặt” được một bản chính biên bản cắm mốc giao nền tái định cư cùng mặt bằng lô đất số 14, lô O khu tái định cư 38 ha (P.Tân Thới Nhất, Q.12) cấp cho ông Sinh. Sau đó, Tài đến khu vực Bến xe Miền Đông thuê Tiến (chạy xe ôm, không rõ lai lịch) làm một số giấy tờ giả với giá 35 triệu đồng, thể hiện ông Sinh bị tâm thần, cha mẹ đã chết, anh chị em ủy quyền cho Tài thay mặt ông Sinh đứng ra bán đất.
Ngày 16.3.2009, Tài ký giấy tay bán đất ấy cho bà Huỳnh Ngọc Phượng (Giám đốc Công ty TNHH Phúc An Khang) với giá 600 triệu đồng. Bà Phượng đặt cọc cho Tài 400 triệu đồng, còn lại 200 triệu đồng hẹn làm xong thủ tục sẽ trả hết. Tài đưa bà Phượng toàn bộ hồ sơ pháp lý liên quan đến mảnh đất. Do nhiều lần đi làm thủ tục sang tên không được, bà Phượng yêu cầu Tài trả lại tiền đặt cọc.
Để có tiền trả, ngày 24.1.2010, Tài bán lô đất trên cho ông Lê Thanh Phước với giá 900 triệu đồng. Ông Phước trả trước 700 triệu đồng, Tài đưa bà Phượng 400 triệu đồng, giữ lại 300 triệu đồng. Khi ông Phước không làm giấy tờ sang tên được, đòi lại tiền, Tài không có tiền nên bà Phượng đứng ra trả Phước 700 triệu đồng và giữ lại toàn bộ giấy tờ lô đất của Tài.
Ngày 26.1.2011, Tài tiếp tục bán lô đất “ảo” này cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Bảng với giá 960 triệu đồng. Ông Bảng đã đưa Tài 910 triệu đồng. Tài trả bà Phượng 700 triệu đồng. Bản cáo trạng truy tố Tài về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông Bảng.
Nhiều bất thường
Tại phiên xử chiều 8.4, bà Huỳnh Ngọc Phượng đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Một điều lạ lùng là lời khai của bị cáo Tài, nhân chứng (cò đất) Phạm Văn Nhơn và của bị hại Nguyễn Xuân Bảng phù hợp với nhau về sự có mặt xuyên suốt của bà Phượng trong quá trình giao dịch bán mảnh đất “ảo” từ ông Phước sang ông Bảng, và bà Phượng cũng là người hưởng lợi phần lớn số tiền do lừa đảo mà có, nhưng lại không bị xử lý hình sự (?!).
Trong khi bà Phượng một mực đổ cho Tài là người bán đất cho ông Phước, ông Bảng thì ông Phạm Văn Nhơn khai: Khi thấy ông Bảng tìm mua đất ở khu vực Q.12 thì Nhơn điện thoại ra văn phòng công ty bà Phượng để hỏi vì “nghe nói bà Phượng có mảnh đất ở khu tái định cư 38 ha cần bán”. “Sau khi điện thoại, bà Phượng cử hai nhân viên, trong đó có một người tên Đặng Ngọc Thành đến gặp tôi và ông Bảng để dẫn mọi người đi coi đất”, Nhơn khai và cho biết sau đó có điện thoại cho bà Phượng đòi tiền môi giới. Diễn biến này phù hợp với việc Tài khai đã bán đứt mảnh đất cho bà Phượng, sau đó Phượng gọi điện thoại kêu Tài ra bán đất cho ông Phước, Bảng; đồng thời phù hợp việc ông Bảng, ông Nhơn khai giá bán đất chính Thành điện thoại cho bà Phượng quyết định, báo là 960 triệu đồng; khi ông Bảng giao tiền (lần 1) tại văn phòng công ty của bà Phượng, chính bà Phượng là người đếm tiền, Thành là người soạn hợp đồng mua bán.
Những điểm bất thường trong vụ án này khiến cả HĐXX phải hỏi đi, hỏi lại là: bà Phượng mua đất của Tài nhưng không thanh toán liền một lúc 400 triệu đồng mà sau khi ký hợp đồng mua bán 3 tháng, bà Phượng mới đưa Tài 21 triệu đồng rồi sau đó thanh toán rất nhiều lần mỗi lần 6 triệu, 15 triệu…? Sao Tài bán đất cho ông Phước mà ông Phước lại đòi bà Phượng và bà Phượng lại chịu trả lại tiền cho ông Phước, trong khi đó về nguyên tắc "không mua sẽ bị mất tiền đặt cọc"? Tại sao bà Phượng không chỉ trả 400 triệu đồng mình nhận mà còn bỏ tiền túi trả luôn 300 triệu đồng Tài đã nhận? Ngoài ra, ông Bảng đã trả 910 triệu đồng, Tài nhận 115 triệu đồng (bà Phượng cho Tài 65 triệu đồng, ông Bảng đưa Tài 50 triệu đồng), bà Phượng nhận 700 triệu đồng, vậy số tiền chênh lệch còn lại đi đâu? Tại sao ở cơ quan điều tra bà Phượng thừa nhận Thành là nhân viên của mình nhưng ra phiên tòa bà Phượng lại khai Thành chỉ là “cò”? Tại sao khi vụ án bị phát hiện, Thành phải bỏ trốn?
Hồ sơ giả bị phát hiện khi nào ? Khi luật sư Vũ Quang Đức (bảo vệ cho ông Bảng) đặt vấn đề: Tại sao những người bình thường dễ dàng phát hiện hồ sơ đất là giả mà bà Phượng là chủ một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không biết, thì bà Phượng khai đã cùng Tài đem hồ sơ đất đến UBND Q.12 hỏi thì cơ quan này nói là giấy tờ thật (?!). Tuy nhiên, Tài khẳng định không đi cùng bà Phượng đến UBND Q.12 vì Tài biết là giấy giả, không dại đi hỏi làm gì. Bà Phượng cũng không cung cấp được tên người trả lời giấy tờ giả là thật. Trả lời luật sư Đức, bà Phượng thừa nhận: Sau khi ông Phước thưa bà đòi tiền bán đất, Công an P.Tân Hưng Thuận (Q.12) đã mời hai bên lên hòa giải. Điều này phù hợp với biên bản lấy lời khai của ông Phước ngày 10.7.2012: “Tôi phát hiện giấy tờ Tài đưa là giả nên đã làm đơn tố cáo lên công an...”. Đây có lẽ là chi tiết hiếm hoi mà bà Phượng khai khớp với ông Phước, còn tất cả những lời khai khác của bà Phượng đều trái ngược với tất cả những người liên quan trong vụ án. Luật sư Võ Đan Mạch (bào chữa cho Tài) cũng phải thốt lên rằng: “Lời khai của bà Phượng quá vô lý nên tôi không tham gia xét hỏi”. Còn ông Bảng thì cương quyết: “Kẻ chủ mưu trong vụ án này là bà Phượng”. |
Lê Nga
Bình luận (0)