Vụ MobiFone mua AVG nếu bị lộ có gây hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc?

Vũ Hân
Vũ Hân
11/07/2018 19:18 GMT+7

Cho rằng tiêu chí bí mật Nhà nước không rõ ràng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi: Vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG đóng dấu mật, nếu bị lộ có gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc không?

Cho ý kiến về dự án luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sáng nay 11.7, mối băn khoăn lớn nhất của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là xử lý quan hệ giữa việc đảm bảo công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin và quyền giám sát của người dân với bảo vệ bí mật nhà nước.
Ví dụ mà bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nêu lên đã cho thấy mức độ khó khăn của việc giải quyết mâu thuẫn này, bởi có những trường hợp bí mật bị lộ là gây hại, nhưng trong nhiều trường hợp bảo mật, thiếu giám sát lại gây hại.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, cần quy định nguyên tắc phân loại và bổ sung tiêu chí phân loại bí mật nhà nước; rà soát, điều chỉnh một số lĩnh vực có thông tin “tuyệt mật”, “tối mật”. Ông Bình đặt câu hỏi: “tuyệt mật” và “tối mật” là quy định có liên quan đến quyền con người và quyền công dân, nhưng lại giao Chính phủ quy định thì có đúng với Hiến pháp hay không?
Tương tự như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã góp ý tại kỳ họp thứ 4, ông Bình cũng cho rằng, phạm vi của các bí mật nhà nước là quá rộng, không cụ thể. “Các thông tin ký kết với nước ngoài thì người dân có được biết không, cái nào bí mật, cái nào không? Nếu ta bí mật nhưng nước ngoài công bố thì sao?”, ông Bình băn khoăn.
Chia sẻ quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng phân vân về phạm vi bí mật nhà nước và cho rằng, nếu quy định phạm vi mật quá rộng thì “rất khó”.
“Chủ trương, đường lối thì phải đến được với người dân. Thông tin về thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng cần phải tuyên truyền, nếu để mật rất dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm”, ông Hải nêu quan điểm.
Ông Hải cũng đặt vấn đề bí mật nằm trong đầu các cá nhân, đặc biệt khi các cá nhân này đã về hưu, thì xử lý ra sao. “Về hưu viết hồi ký là rất phức tạp. T.Ư Đảng có kỷ luật về phát ngôn, về viết hồi ký. Tôi cho rằng cũng nên có điều khoản liên quan đến trách nhiệm của các nhân vật nắm giữ bí mật nhà nước”, ông Hải nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ việc nếu không minh định rạch ròi bí mật nhà nước thì rất dễ dẫn đến những vi phạm, sử dụng tuỳ tiện. “Làm thế nào phải đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, vừa đảm bảo tinh thần là bảo vệ an ninh quốc gia, vừa đảm bảo được việc xây dựng nhà nước dân chủ, công khai, minh bạch. Cái gì cần bảo vệ, cái gì cần công khai minh bạch thì phải rà soát lại, phải xác định rõ”, ông Uông Chu Lưu nói. 
Băn khoăn ngay từ điều 2 định nghĩa về “bí mật nhà nước”, bà Lê Thị Nga cho rằng, tiêu chí “nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc” là không rõ ràng. “Thế nào là gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc? Đơn vị đo lường như thế nào? Tôi lấy ví dụ vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG đóng dấu mật, thế nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc không?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Đề xuất danh mục cụ thể về bí mật nhà nước do Thủ tướng quy định
Về thời hạn giải mật của bí mật nhà nước, dự thảo luật quy định thời hạn 30 năm đối với độ tuyệt mật; 20 năm đối với độ tối mật và 10 năm đối với độ mật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, đây là nội dung mới, được Chính phủ bổ sung để bảo đảm sự công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của luật Tiếp cận thông tin.
Dù có một số ý kiến đại biểu đề nghị tăng thời hạn giải mật, nhưng cơ quan chủ trì thẩm tra vẫn bảo lưu quan điểm giữ thời hạn như dự thảo và có bổ sung quy định về gia hạn bảo mật nếu cần thiết.
Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, không nên quy định cứng nhắc với lý do “lịch đi công tác của Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật, nhưng hạ cánh rồi thì hết mật chứ sao lại 30 năm; lịch họp Bộ Chính trị cũng vậy, xong rồi thì nên tiến hành giải mật chứ không thể phải chờ đến 20, 30 năm mới hết mật”.
Thay mặt ban soạn thảo giải trình về dự luật, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam khẳng định sẽ làm rõ hơn khái niệm về bí mật nhà nước; tuy nhiên đề nghị để danh mục cụ thể về bí mật nhà nước sẽ do Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan quy định ở văn bản dưới luật, vì theo ông Nam, nếu ban hành luôn danh mục thì rất lớn và rất rộng.
Liên quan đến thời hạn giải mật, Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhất trí với các tình huống cụ thể thì thời hạn giải mật sẽ khác đi, như ông Định đã phân tích, và khi quy định cụ thể, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước là dự án luật đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, nhưng ngắt quãng 1 kỳ họp và đến kỳ họp thứ 6 mới cho ý kiến lần 2.
Khi trình dự án này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, đã khẳng định “những gì liên quan đến lợi ích quốc gia mà chưa được công bố công khai thì phải được bảo vệ đến cùng, nhưng cũng phải hài hòa với quyền tiếp cận thông tin của người dân, huy động sức dân giám sát các hoạt động của Nhà nước; điều quan trọng là phải xác định ranh giới để mọi người dân hiểu được quy định đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.