Vụ ngộ độc sau đêm trung thu: Vi khuẩn Salmonella thường gặp trong thực phẩm nào?

Liên Châu
Liên Châu
05/10/2023 14:10 GMT+7

Salmonella là một trong các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm rất thường gặp. Sở Y tế TP.HCM cho biết, kết quả xét nghiệm PCR phân của 2 trẻ (trong vụ ngộ độc sau đêm trung thu) cho thấy có vi khuẩn Salmonella spp.

Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm

Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, Salmonella thuộc họ vi khuẩn đường ruột. Salmonella gây bệnh ở người được xếp thành hai loại: Salmonella gây bệnh thương hàn (Salmonella typhi) và các Salmonella gây bệnh khác (Salmonella non-typhi). Vi khuẩn chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, trong đó có ăn thịt lợn. Ngộ độc thường gặp ở người do Salmonella gây ra là thương hàn, bệnh nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, nhiễm khuẩn bệnh viện.

Vụ ngộ độc sau đêm trung thu: Vi khuẩn Salmonella thường gặp trong thực phẩm nào? - Ảnh 1.

Vi khuẩn Salmonella dễ gây ngộ độc thực phẩm. Nấu sôi, chín kỹ thức ăn và đảm bảo an toàn thực phẩm để ngừa ngộ độc

SHUTTERSTOCK

Trong khoảng 10 năm gần đây (2010 - 2019), một số nghiên cứu riêng lẻ tại Việt Nam với các cỡ mẫu nhỏ lấy tại một số chợ dân sinh, cơ sở chăn nuôi, giết mổ... tại một số địa phương, cho thấy tỷ lệ thịt lợn nhiễm Salmonella ở chợ dao động từ 20 - 40%. Tỷ lệ mẫu có Salmonella trên thịt gà và phân gà khoảng 8%. Tỷ lệ Salmonella dương tính ở các mẫu lấy tại cơ sở ấp trứng chiếm 11%, ở điểm tiêu thụ là hơn 36%.

 Các nguồn lây nhiễm Salmonella trong thực phẩm có nguyên nhân do động vật bị nhiễm khuẩn trước khi giết mổ. Một số loại gia cầm khi đẻ trứng tại các nơi điều kiện vệ sinh không bảo đảm, vi khuẩn Salmonella có thể có ở vỏ trứng.

Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, nhiễm Salmonella có thể xảy ra do dụng cụ chứa đựng không đảm bảo vệ sinh, do nguồn nước bị ô nhiễm, do côn trùng, vật trung gian (ruồi, chuột). Các loại thịt xay, băm nhỏ… là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển nếu bị ô nhiễm, khi bảo quản không đúng.

Đáng lưu ý, thực phẩm nguội ăn ngay hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu không đun lại khi ăn cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm Salmonella.

Một chuyên gia về nhiễm khuẩn cho biết thêm, Salmonella được biết là nguyên nhân gây nên các bệnh như sốt thương hàn, ngộ độc thực phẩm. Loại vi khuẩn này từng được tìm thấy ở trứng sống, thịt chưa nấu chưa chín, rau sống... 

Salmonella có thể lây truyền khi một người ăn phải đồ ăn có nhiễm khuẩn hay tiếp xúc với chất thải từ động vật, người nhiễm bệnh.

Bàn tay bẩn có thể chứa vi khuẩn Salmonella, là đường lây nhiễm đưa vi khuẩn vào cơ thể, nếu không vệ sinh bàn tay sạch.

Đun sôi thực phẩm, bàn tay sạch để phòng ngộ độc thực phẩm 

 Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm, việc kiểm soát Salmonela trong thực phẩm cần theo chuỗi, từ trang trại, hộ chăn nuôi thông qua kiểm tra, giám sát các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, thịt gia cầm, thịt gia súc và các sản phẩm tươi sống. 

Gia súc và gia cầm phải được kiểm tra thú y trước khi giết mổ để giảm nguy cơ các loại thịt nhiễm Salmonela. Quá trình giết mổ phải bảo đảm vệ sinh và ngăn cách các khu vực, tránh sự lây lan của vi khuẩn, nhất là lây nhiễm do các điều kiện cơ sở không đảm bảo.

Tại nơi ăn uống, để tránh nhiễm khuẩn, cần vệ sinh dụng cụ, đảm bảo nguồn nước sạch, có thiết bị phòng chống côn trùng, chuột và bảo đảm vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm là cách phòng ngừa nhiễm Salmonella đơn giản và hiệu quả.

Không ăn thực phẩm tái, gỏi khi ăn các thực phẩm này có nguy cơ cao nhiễm các loại ký sinh trùng, trong đó có Salmonella. Bên cạnh đó, vi khuẩn còn có khả năng nhiễm Salmonella từ bàn tay người chế biến thực phẩm.

Salmonela có thể kiểm soát hiệu quả bằng cách xử lý nhiệt và tránh nhiễm chéo; thực hành vệ sinh tốt. Trong đó, đun sôi thực phẩm trước khi ăn là biện pháp tốt nhất. Lưu ý, phải đảm bảo được nấu chín kỹ phần bên trong thực phẩm đông lạnh.

Xem nhanh 12h ngày 5.10: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.