Vụ nổ tàu lặn Titan và những vấn đề pháp lý giữa đại dương

Khánh Như
Khánh Như
23/06/2023 18:05 GMT+7

Vụ nổ tàu lặn Titan được cho là sẽ thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn đối với các phương tiện lặn sâu ở các vùng biển quốc tế.

Năm 1912, Titanic, con tàu chở khách lớn nhất thời điểm đó và được cho là không thể chìm, đã gặp nạn ngay trong chuyến vượt Đại Tây Dương đầu tiên, khiến hơn 1.500 trong số khoảng 2.200 người trên tàu thiệt mạng.

Vụ chìm Titanic và vấn đề pháp lý đại dương 

Vụ chìm tàu Titanic đã thúc đẩy việc lập ra Công ước về An toàn sinh mạng trên biển (SOLAS). Được thông qua vào năm 1914, khuôn khổ của SOLAS vẫn tồn tại cho đến ngày nay và thay thế một loạt quy định chắp vá bằng một tiêu chuẩn an toàn hàng hải toàn cầu, theo trang web của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Vụ nổ tàu lặn Titan làm lộ nhiều vấn đề pháp lý ở vùng biển quốc tế? - Ảnh 1.

Tàu lặn Titan

REUTERS

Theo đài CBC, sau vụ chìm tàu Titanic, các quy tắc chặt chẽ đối với việc theo dõi tín hiệu vô tuyến trên tàu đã được đưa ra, yêu cầu thủy thủ đoàn phải luôn điều khiển tàu. Hoạt động diễn tập an toàn bằng xuồng cứu sinh đã được thực hiện một cách bắt buộc. Các cuộc tuần tra cũng được tiến hành thường xuyên và nghiêm ngặt hơn, nhằm đưa ra các cảnh báo sớm về băng trôi ở phía bắc Đại Tây Dương.

Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm đền bù của chủ tàu cũng được quy định rõ hơn. Năm 1912, White Star Line, chủ tàu Titanic chỉ đền bù mức tiền tương đương giá trị của các bộ phận còn nguyên vẹn của con tàu, bất kể có bao nhiêu người chết trong vụ việc. Do đó, những người sống sót sau Titanic hoặc gia đình nạn nhân chỉ nhận được khoản thanh toán dựa trên giá trị của thuyền cứu hộ Titanic, vì phần còn lại của con tàu đã chìm xuống đáy đại dương.

Đạo diễn James Cameron nói gì về vụ nổ tàu lặn Titan khi tham quan xác tàu Titanic?

Bài học rút ra từ tàu lặn Titan

Vụ nổ tàu lặn Titan trong lúc thám hiểm xác tàu Titanic vào tuần này đã làm cả 5 người trên tàu thiệt mạng. Giới chuyên gia cho rằng tai nạn có thể sẽ thúc đẩy các quy tắc quản lý loại hình du lịch cao cấp, bởi tàu lặn Titan hoạt động ngoài các quy định được đưa ra sau thảm họa Titanic, theo đài CNN.

Vụ nổ tàu lặn Titan làm lộ nhiều vấn đề pháp lý ở vùng biển quốc tế? - Ảnh 2.

Chuẩn đô đốc Tuần duyên Mỹ John Mauger trong cuộc họp báo cập nhật tình hình tìm kiếm tàu lặn Titan ngày 22.6

REUTERS

Nhà điều hành của Titan, OceanGate Expeditions, cho biết vào năm 2019 rằng tàu lặn của họ an toàn. Tuy nhiên, những đổi mới được tích hợp bên trong con tàu vượt xa khả năng của các cơ quan quản lý đã chứng nhận chúng.

Ông Sal Mercogliano, giáo sư tại Đại học Campbell (Mỹ) và là nhà sử học hàng hải, đồng quan điểm trên. Theo ông, Titan di chuyển trong vùng biển quốc tế nên không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào, và cũng không có quy định mang tính toàn cầu nào có thể điều chỉnh hoạt động của con tàu. 

Do đó, theo CNN, cần có ngưỡng an toàn cao hơn đối với hành khách trả tiền để được đi tàu lặn và sự điều chỉnh lớn trong các quy tắc quốc tế, bởi sự phát triển vượt bậc của công nghệ đang vượt xa các quy định hiện có.

Người thoát chết nhờ từ chối lên tàu lặn Titan trong chuyến đi thảm kịch vì sao không tham gia?

Ông Per Wimmer, một nhà thám hiểm người Đan Mạch cho rằng sự kiện Titanic hơn 100 năm trước đã thay đổi quy định, và rất có thể tàu Titan sẽ là chất xúc tác cho nhiều quy định hơn trong lĩnh vực tàu lặn.

Ông James Cameron, đạo diễn bộ phim "Titanic" ăn khách năm 1997, người đã 33 lần lặn xuống xác Titanic cho biết ông nhìn thấy mối liên hệ giữa 2 thảm họa cách nhau 111 năm, rằng cả 2 con tàu đều hoạt động bất chấp tầm nhìn hạn chế và nhiều lần được cảnh báo về an toàn.

Theo ông, bất kỳ phương tiện nào cũng cần đảm bảo rằng nó hoạt động dưới sự kiểm định an toàn của chính phủ. Ông cũng thúc đẩy các biện pháp bảo vệ người bên trong tàu lặn, tương tự các đảm bảo đối với những hoạt động cơ bản thường ngày như di chuyển bằng thang máy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.