Tuần qua, sự việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử, nghi là do bạo lực học đường làm cho dư luận nhói lòng. Sự việc một lần nữa đặt ra những vấn đề về nạn bạo lực học đường và công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong trường học.
Tuy nhiên, hiện có những khoảng trống trong trường học khiến cho học sinh cảm thấy cô đơn, bị cô lập. Đó là sự thiếu kết nối, chia sẻ giữa thầy cô với học trò và giữa chính những em học sinh với nhau.
Ngoài ra, học sinh hiện nay còn chịu áp lực với những quy chuẩn xã hội cũ kỹ, không phù hợp với các em được những người từ thế hệ trước áp đặt. Các em dễ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và không được lắng nghe, từ đó dễ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Tân, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Tinh thần Menthy, khoảng trống trong việc chăm sóc, bảo vệ tâm lý cho học sinh xuất phát từ sự chủ quan, thiếu nhận thức đúng về vấn đề này của nhà trường, phụ huynh.
Để phòng tránh tối đa những tình huống tiêu cực, nạn bạo lực học đường trong nhà trường, học sinh cần được lắng nghe, chia sẻ và giải tỏa những khúc mắc mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, điều này đang có rào cản lớn khi nhiều trường vắng bóng các phòng tham vấn tâm lý, hoặc nếu có thì hoạt động cầm chừng, không hiệu quả.
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, nhà trường phải tạo nhiều kênh thông tin để tiếp nhận những chia sẻ cho học sinh, mỗi thầy cô là một chuyên gia tư vấn, tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc của học trò.
Bình luận (0)