Sáng nay 21.7, Chi cục kiểm lâm Quảng Nam xử lý công văn gửi Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam để đăng ký cho đoàn công tác của Cục Kiểm lâm được tiếp cận hiện trường vụ phá rừng Pơmu tại tiểu khu 351 thuộc khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Bung (H.Nam Giang).
|
Sau những thông tin dồn dập về vụ phá rừng đang nóng bỏng tại Quảng Nam, dự kiến trong ngày hôm nay, đoàn công tác của Cục Kiểm lâm cùng với Chi cục kiểm lâm Quảng Nam, đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh… sẽ lại vào hiện trường, vị trí mà đoàn công tác của tỉnh vừa tiếp cận trong ngày hôm qua.
Kiểm soát chặt nhưng vẫn “lọt”
Các thủ tục về trao đổi công văn, đăng ký danh sách để Cục Kiểm lâm được vào khu vực vùng biên cho thấy đây là vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo đúng quy chế biên giới.
Trong chuyến thị sát hôm qua (20.7) do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh dẫn đầu, danh sách của đoàn, trong đó có các nhà báo, cũng được UBND H.Nam Giang lập đầy đủ để được “cấp phép” vào hiện trường.
Chính vì vậy, việc để xảy ra vụ án phá rừng quy mô lớn cùng với nhiều điểm tập kết ngay trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt này đã khiến dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm của lực lượng biên phòng quản lý địa bàn. Ông Lê Trí Thanh yêu cầu lực lượng biên phòng “phải suy nghĩ về vấn đề này”.
“Địa điểm phá rừng cách không xa vị trí mà biên phòng đóng quân. Có 2 điểm giấu gỗ rất nhạy cảm. Ngay sau lưng biên phòng, để tập kết 27m3 gỗ thì chỉ có một lối đi vào và muốn kéo gỗ ra cũng phải phát tuyến đường khác. Rồi bãi gỗ ngay khuôn viên cơ quan Chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang nữa. Bao nhiêu tai mắt, bao nhiêu lực lượng mà sao chúng (lâm tặc - PV) vận chuyển gỗ đi được?”, ông Thanh bức xúc.
Trách nhiệm của lực lượng biên phòng được “truy” gắt gao sau khi để “lọt” khối lượng gỗ lớn sau khi xẻ thành phách từ tiểu khu 351.
Tại buổi họp kiểm điểm trách nhiệm các bên liên quan vào chiều tối qua (20.7), đại tá Nguyễn Đắc Chung, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam “xin nhận trách nhiệm về quản lý để xảy ra vụ việc như vậy tại biên giới”. Đây là lần thứ 2 đại tá Chung nhận trách nhiệm trong lần tham gia đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra hiện trường vụ phá rừng.
Ngược lại, nguồn gốc 115 phách gỗ Pơmu (và một số phách gỗ dỗi) tại khuôn viên Chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang hiện đang rất mù mờ. Theo giải trình của ông Lê Trung Thịnh, người vừa bị đình chỉ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục hải quan cửa khẩu Nam Giang, gỗ này được “tích hợp” từ nhiều nguồn: “Lâu lâu các bạn Lào cho vài cục. Hoặc anh em của chi cục mua. Bản thân tôi xót xa, vì điều này gây ảnh hưởng đến cơ quan đơn vị”.
|
“Không giúp được cho địa phương mà còn gây khó khăn”
Chính quyền H.Nam Giang đã lên tiếng về sự thiếu hỗ trợ phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng biên phòng địa bàn.
Ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND H.Nam Giang, phản ứng rất mạnh: “Nam Giang có 6 xã biên giới. Nhiều xã bất bình về chuyện biên phòng gây khó khăn, mỗi khi muốn kiểm soát rừng trong khu vực biên giới thì biên phòng không cho vào tuần tra và yêu cầu các văn bản liên quan. Không giúp được cho địa phương mà còn gây khó khăn”.
|
Ông Alăng Mai cho biết tại hội nghị quốc phòng địa phương vừa tổ chức tại H.Nam Giang, ông đã chất vấn lực lượng biên phòng: Với địa phương thì kỹ càng như vậy, còn lâm tặc vác gỗ cả khối đi như thế sao không kiểm soát chặt?. “Chúng ta ngồi đây cứ nghĩ mọi chuyện đều tốt đẹp hết. Nhưng vụ phá rừng tại La Dêê vừa xảy ra được ai phát hiện? Nhân dân”, ông Mai tự trả lời câu hỏi của mình.
Ông Chủ tịch UBND H.Nam Giang nhận trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý địa bàn để xảy ra vụ phá rừng và sẽ có báo cáo chính thức gửi UBND tỉnh, nhưng bức xúc: “Chuyện tốt đẹp không được bao nhiêu và không ai khen ngợi. Còn toàn những việc ở đâu đâu lại rơi xuống đầu mình”.
Ông Đỗ Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (chủ rừng bị chặt phá trong vụ án) cũng bức xúc vì mỗi lần đi tuần tra phải có giấy giới thiệu của BĐBP, và đến thời điểm này vẫn chưa có quy chế phối hợp. Ông Đỗ Tuấn khiến nhiều người ngỡ ngàng khi cho hay dự thảo quy chế phối hợp đã gửi cho biên phòng từ tháng 8.2015, nhưng đến nay chưa thấy hồi âm. “Phía Đồn biên phòng La Dêê bảo chờ ý kiến chỉ đạo cấp trên”, ông Tuấn giải thích.
|
|
|
Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT, thốt lên: “Phải khẩn trương có quy chế phối hợp, bổ sung chính quyền địa phương cấp xã ở những vùng “nóng”. Phải tổng rà soát vùng này, chắc gì chỉ dừng lại ở con số 60 cây Pơmu bị chặt? Đây là bài học cực kỳ hay để phát huy được trách nhiệm cộng đồng được giao giữ rừng. Phải xử lý sớm, làm gương để đồng bào tin mình, và mình cũng tin họ. Tôi đã nghe chuyện đồng bào phàn nàn rằng “mình vô rừng của mình mà biên phòng cũng không cho” rồi đấy!”.
Hàng loạt vướng mắc phát sinh ngay tại vùng biên khi xuất hiện vụ án phá rừng Pơmu. Ngay sự hiện diện của các xưởng cưa ở cả 2 phía Lào, Việt Nam cũng được xem là “khác nào tiếp tay cho lâm tặc” và nhiều ý kiến thúc giục phải dẹp. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo nếu cần thiết thì BĐBP Quảng Nam báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP có cơ chế đặc biệt dành cho công tác điều tra.
|
“Phải tạo cơ chế đặc biệt để nhanh chóng phá án và chấn chỉnh nội bộ. Biên phòng, hải quan, kiểm lâm phải khẩn trương xử lý nội bộ, yêu cầu tường trình báo cáo và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước công luận. Tôi đề nghị báo chí sát cánh, đưa thông tin trung thực, có thể tiếp nhận và cung cấp thêm thông tin cho CQĐT”, ông Lê Trí Thanh nói.
Bình luận (0)