Vụ robot đào đường: Không thống nhất phương án đền bù, người dân nên kiện ra tòa

04/10/2023 11:44 GMT+7

Theo các luật sư, người dân có nhà trên đường số 18 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) bị nứt, nghiêng, lún do ảnh hưởng bởi robot đào đường, nếu không thống nhất được phương án đền bù thì làm đơn khởi kiện chủ đầu tư, nhà thầu ra tòa để đảm bảo quyền lợi.

Liên quan vụ robot đào đường khiến hàng loạt nhà dân ở Thủ Đức bị nghiêng ngả, ngày 4.10, trao đổi với PV Thanh Niên các luật sư (LS) đều cho rằng, nếu người dân không thống nhất được phương án đền bù, khắc phục hậu quả thì làm đơn khởi kiện chủ đầu tư, nhà thầu ra TAND TP.Thủ Đức để được đảm bảo quyền lợi hợp pháp.

 Không thống nhất phương án đền bù, người dân nên khởi kiện ra Tòa - Ảnh 1.

Công trình thi công gói thầu XL-07 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 (vị trí đường Trần Não giao với đường Lương Định Của)

CÔNG NGUYÊN

LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), cho biết trường hợp Liên doanh Công ty cổ phần xây dựng đê kè - PTNT Hải Dương và Công ty TNHH kỹ thuật điện - xây dựng Ban Hin (nhà thầu chính) thừa nhận lún, nứt hơn 12 căn nhà này do nguyên nhân thi công công trình dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2, thì các bên thương lượng với nhau về cách giải quyết, xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại. Còn nếu các bên không thừa nhận nguyên nhân thì có thể cần giám định để xác định nguyên nhân và bên có lỗi phải chịu trách nhiệm. 

Đồng quan điểm, LS Lê Trung Phát (Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát) nhìn nhận đây là công trình dự án vệ sinh môi trường TP.HCM do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP làm chủ đầu tư (BQL). Như vậy, các hoạt động liên quan đến công trình này, sẽ chịu sự điều chỉnh bởi luật Xây dựng, luật Đầu tư và các văn bản có liên quan khác, đặc biệt trong đó có quy định của Nghị Định 06/2021/ NĐ-CP ngày 26.1.2021 về quản lý chất lượng, thi công xây dựng. Theo đó, tại điều 7 Nghị định 06, có quy định về phân định trách nhiệm trong đó có chủ đầu tư, nhà thầu thi công; nhà thầu tư vấn gồm quản lý dự án, giám sát…

 Không thống nhất phương án đền bù, người dân nên khởi kiện ra Tòa - Ảnh 2.

Tường nhà người dân trên đường số 18 bị nứt

CÔNG NGUYÊN

Liên quan đến hồ sơ pháp lý công trình, LS Hoan cho biết, theo điều 55 Nghị định 15/2021, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm công bố công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp trên trang thông tin điện tử của mình. Chủ đầu tư có trách nhiệm công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công để tổ chức, cá nhân theo dõi và giám sát theo quy định của pháp luật có liên quan. 

LS Hoan cho rằng, theo điều 585, điều 589 bộ luật Dân sự, nếu các bên không thống nhất được với nhau về nguyên nhân gây thiệt hại và mức độ, giá trị thiệt hại thì cần đơn vị có chuyên môn giám định để làm căn cứ giải quyết vụ việc. Tòa án cũng phải trưng cầu giám định nguyên nhân thiệt hại, mức độ thiệt hại thì mới có cơ sở để giải quyết.

 Không thống nhất phương án đền bù, người dân nên khởi kiện ra Tòa - Ảnh 3.

Nhà bị hư hỏng nếu không thống nhất phương án đền bù, người dân nộp đơn khởi kiện ra tòa

CÔNG NGUYÊN

Theo LS Lê Trung Phát, nếu quá trình đàm phán trong việc bồi thường, khắc phục thiệt hại cho người dân không tìm được tiếng nói chung thì người dân có nhà bị ảnh hưởng bởi robot đào đường được quyền khởi kiện vụ án ra tòa án yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công bồi thường. Trong trường hợp này, người dân làm đơn gửi TAND TP.Thủ Đức. Kèm theo đơn khởi kiện người dân cần nộp những giấy tờ để chứng minh quyền về tài sản mà mình bị thiệt hại, đồng thời nộp kèm những bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu của mình là có cơ sở. 

Các bằng chứng có thể nộp kèm đơn khởi kiện gồm, biên bản làm việc, biên bản hòa giải (nếu các bên có đơn nộp cho UBND cấp xã), hình ảnh nhà bị ảnh hưởng do robot đào đường hoặc có thể thông qua thừa phát lại lập vi bằng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.