Trong thời gian gần đây, một số người dân sống trên đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM gửi đơn cầu cứu Báo Thanh Niên vì căn nhà họ đang ở bị sụp, lún, thậm chí nghiêng ngả.
Nguyên nhân được Công ty cổ phần kiểm định xây dựng Sài Gòn xác định, chính là do công trình đang thi công bên cạnh, có địa chỉ 430 – 430A Nguyễn Thị Minh Khai, P.5, Q.3, TP.HCM. Công trình này được thi công bởi Công ty TNHH MTV C.B.S Việt Nam. Kể từ khi thi công, công trình đã khiến nhiều nhà dân xung quanh bị hư hại nghiêm trọng.
Sau khi kiểm định về cấp độ hư hại của ngôi nhà, đơn vị chức năng đề nghị không sử dụng ngôi nhà (địa chỉ 2/36A Cao Thắng) để đảm bảo an toàn. Nhà là nơi an toàn nhất, thế nhưng giờ đây, người dân được đề nghị không ở trong chính căn nhà của mình để tránh gặp nguy hiểm, vì chẳng biết căn nhà sẽ đổ sập vào lúc nào.
Chủ một căn nhà cho biết, 1 năm qua, họ đã gửi những lá đơn dài đến cơ quan chức năng, nhưng tình trạng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Một căn nhà khác cũng bị thiệt hại bởi công trình 430 – 430A Nguyễn Thị Minh Khai. Tường cũng bị nứt, nhà vệ sinh bị hư hỏng nặng. Với căn nhà này, đơn vị thi công cho biết đã vào sửa chữa trong 2 đêm, sau đó chủ nhà không cho sửa chữa tiếp. Khi liên hệ với chủ nhà, họ cho biết lý do không cho sửa chữa tiếp là vì đơn vị thi công chỉ khắc phục bằng cách trám trét qua loa.
Dù công ty C.B.S Việt Nam đã cam kết sẽ đền bù thiệt hại và sửa chữa căn nhà. Thế nhưng, từ tháng 10.2023 đến nay, người dân vẫn chưa nhận hết tiền đền bù. Trả lời với phóng viên, đơn vị thi công cho biết, lý do không tiếp tục đền bù là vì chủ nhà không đồng ý làm hợp đồng cho thuê.
Cạnh đó, có thời điểm chủ nhà không bàn giao mặt bằng cho công ty sửa chữa vào khảo sát. Trong khi đó, chủ nhà lại cho rằng, đơn vị thi công làm nhà họ bị hư thì phải sửa chữa, nếu bắt họ phải làm hợp đồng cho thuê nhà rồi mới sửa là hết sức vô lý. Đồng thời, chủ nhà từng không bàn giao mặt bằng là vì cần được cung cấp hồ sơ năng lực của các nhà thầu sửa chữa theo kiến nghị của công ty kiểm định.
Đến nay, người dân sống trong nhà mà như ngồi trên lửa. Họ cho rằng nếu đền bù rồi mà vẫn tiếp tục thi công thì nguy hiểm vẫn chực chờ. Vậy nên vấn đề người dân quan tâm lúc này không phải là đền bù thế nào, mà là biện pháp nào để giữ an toàn cho họ.
Theo các luật sư, nếu chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa khắc phục được sự cố, đồng thời người bị hại đã có đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng, thì cần phải xem xét đến yếu tố ngừng thi công để khắc phục hậu quả.
Luật sư Phan Huyền Vũ (Trưởng văn phòng luật sư Phan Gia) nêu ý kiến: "Tất cả những gì liên quan đến thiệt hại là chủ đầu tư và thi công phải khắc phục toàn bộ 100%. Đối với trường hợp này là bên bị thiệt hại phải kịp thời có đơn gửi cơ quan nhà nước liên quan. Ví dụ như UBND phường, UBND quận để kịp thời giải quyết và khắc phục hậu quả kịp thời cho bên bị thiệt hại. Phương án ngừng thi công là bắt buộc, khi có đơn là bắt buộc phải ngừng thi công. Giải quyết xong hậu quả thì mới tiếp tục thi công được".
Trước sự lo lắng về tính mạng của mình và những người xung quanh, chủ nhà đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng, yêu cầu công trình 430 – 430A Nguyễn Thị Minh Khai ngừng thi công và có biện pháp khắc phục cụ thể. Thế nhưng, đến nay công trình này vẫn đang tiếp tục thi công. Còn C.B.S Việt Nam thì trả lời, họ vẫn đang cố gắng cùng chủ nhà chốt nhà thầu để khắc phục sửa chữa.
Ngày 25.3.2024, PV Thanh Niên đã đến UBND Q.3, TP.HCM để tìm câu trả lời và vẫn đang trong thời gian chờ đợi. Với tình trạng người dân phải sống trong nơm nớp lo sợ, rất mong các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời thỏa đáng và biện pháp giải quyết hợp lý để người dân được an tâm.
Bình luận (0)