Ngày 17.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm trong vụ chiếm đoạt 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.
Sau khi đại diện Viện KSND TP.Hà Nội trình bày bản luận tội, các bị cáo cùng luật sư bào chữa thực hiện quyền đối đáp.
"Siêu lừa" xin giảm nhẹ hình phạt
Trong số 26 bị cáo, Nguyễn Thị Hà Thành bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công tố, Thành đặt vấn đề vay tiền của nhiều "đại gia". Hình thức vay là người cho vay sẽ gửi tiết kiệm vào 3 ngân hàng VietABank, NCB và PVcomBank, sau đó đưa sổ cho Thành giữ. Bị cáo Thành và đồng phạm sẽ làm giả chữ ký của các "đại gia" để cầm cố sổ tiết kiệm, vay tiền từ chính các ngân hàng.
Tại tòa, "siêu lừa" Hà Thành xin giảm nhẹ hình phạt. Nữ bị cáo nói trong thời gian bị tạm giam đã nhận thức sai phạm của mình, đồng thời trình bày có con gái mắc bệnh hiểm nghèo, mong được sớm trở về chăm sóc.
Bào chữa cho bị cáo Thành, luật sư đưa ra nhiều luận điểm, trong đó cho rằng thiệt hại của vụ án là do nhóm cán bộ các ngân hàng đã thiếu trách nhiệm, không thẩm tra hồ sơ mà vẫn ký duyệt các khoản vay cho Thành.
Ngược lại, một số luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng đồng tình với quan điểm của phía viện kiểm sát, cho rằng bị cáo Thành là chủ mưu, trực tiếp chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và cá nhân.
Bị cáo Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) bị đề nghị 15 - 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo buộc, bị cáo phát hành hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu trái quy định, duyệt đề xuất cấp tín dụng đối với các khoản vay vượt hạn mức của Phòng giao dịch Đông Đô nhưng không kiểm soát được tính chính xác của tờ trình thẩm định cấp tín dụng, khiến VietABank thiệt hại gần 250 tỉ đồng.
Tham gia bào chữa, luật sư cho rằng bị cáo Đức có trách nhiệm phê duyệt khoản vay theo thẩm quyền được VietABank phân công để ngân hàng tiến hành cho vay, nhưng không có trách nhiệm trong quá trình thẩm định khoản vay; trách nhiệm này thuộc về các nhân viên quầy giao dịch bởi họ trực tiếp nhận, thẩm định và lập hồ sơ khách hàng. Do đó, luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan đến cáo buộc đối với thân chủ của mình.
Nữ bị cáo kêu oan
Một bị cáo khác thuộc khối ngân hàng là Đặng Thị Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) bị đề nghị 16 - 18 năm tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo buộc, các bị cáo Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Thu Hương (cựu Trưởng bộ phận khách hàng, Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank) và "siêu lừa" Hà Thành cùng thực hiện hành vi chiếm đoạt 25 tỉ đồng của VietABank. Bị cáo còn ký tờ trình thẩm định đề xuất cấp tín dụng đối với 8 khoản vay khi không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm soát, dẫn tới VietABank bị thiệt hại 141 tỉ đồng.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Quỳnh Hương kêu oan. "Điều quan trọng nhất của đồng phạm là phải biết, bàn bạc về hành vi phạm tội. Nhưng từ đầu đến cuối, bị cáo không biết sự bàn bạc giữa Thu Hương và Hà Thành. Ngay tại tòa, Thành cũng khai không bàn bạc gì với bị cáo", nữ bị cáo khẳng định.
Bị cáo Quỳnh Hương nhiều lần khẳng định không hề hay biết về các hành vi lừa đảo của Hà Thành. Bị cáo nói có góp 2 tỉ đồng liên quan đến số tiền 25 tỉ đồng, "chẳng lẽ bị cáo lại lừa đảo chính bản thân mình".
Bào chữa cho nữ bị cáo, luật sư cho rằng Quỳnh Hương không có bất cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nào trong toàn bộ quy trình cho vay cầm cố số dư tiền gửi, không có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong việc quản lý các nhân viên quầy giao dịch. Bị cáo không thể chịu trách nhiệm cho những sai phạm của các nhân viên quầy giao dịch khi họ trực tiếp tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ, gặp gỡ làm việc trực tiếp với khách hàng và giải ngân khoản vay.
Luật sư cũng nêu quan điểm bị cáo Quỳnh Hương không có dấu hiệu của tội lừa đảo. Cơ quan điều tra và viện kiểm sát chưa làm rõ được mâu thuẫn vì sao bị cáo Quỳnh Hương thực hiện hành vi lừa đảo mà lại tự mình tham gia vào chính giao dịch đó; phải chăng Quỳnh Hương đang tự lừa đảo chính mình và có vai trò là cả bị cáo lẫn bị hại trong vụ việc này.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó tiến hành đối chất để tìm ra sự thật khách quan của vụ án, làm rõ hành vi của bị cáo Quỳnh Hương có giúp sức để tạo điều kiện cho "siêu lừa" Hà Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản của VietABank hay không.
Bình luận (0)