Chiều 14.3, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ năm. HĐXX tiếp tục dành thời gian để xét hỏi, làm rõ hành vi sai phạm của các bị cáo.
Ngân hàng đề nghị không trả sổ tiết kiệm
Theo cáo buộc của viện kiểm sát, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm dùng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.
Trong số này, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (trú tại Hà Nội) tổng cộng 122 tỉ đồng, hình thức vay là ông Toàn sẽ gửi tiền vào NCB, PVcomBank và VietABank rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.
Đổi lại, vợ chồng ông Toàn được Thành trả ngay một khoản lãi ngoài từ 4,2 - 4,5%/tháng. Đến hạn, Thành trả sổ tiết kiệm cho vợ chồng ông Toàn để tới ngân hàng rút tiền gốc, lãi suất ngân hàng Thành được hưởng.
Riêng tại PVcomBank, vợ chồng ông Toàn mở 3 sổ tiết kiệm trị giá 52 tỉ đồng rồi đưa sổ cho Thành giữ. Tiếp đó, Thành và đồng phạm giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố các sổ tiết kiệm, đề nghị PVcomBank cho Công ty Jeongho ("sân sau" của Thành) vay 49,4 tỉ đồng, qua đó chiếm đoạt số tiền này.
Tại tòa, đại diện PVcomBank đề nghị HĐXX thay đổi tư cách tố tụng của mình từ bị hại sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Lý do, bản chất giao dịch giữa Thành và vợ chồng ông Toàn là vay tiền trả lãi, Thành cố tình lừa dối vợ chồng ông này để chiếm dụng số tiền trong sổ tiết kiệm. Vì thế, nếu có tranh chấp, Thành phải chịu trách nhiệm trả gốc và lãi cho vợ chồng ông Toàn theo thỏa thuận giữa 2 bên.
Đại diện PVcomBank còn đề nghị được xử lý đối với các sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn, nhằm thu hồi khoản vay của Công ty Jeongho; đồng thời thu hồi khoản lãi mà ngân hàng này đã trả cho vợ chồng ông Toàn từ khi phát hành sổ tiết kiệm, khoảng hơn 4 tỉ đồng.
Tương tự, đại diện NCB cũng mong muốn được thay đổi tư cách tố tụng như PVcomBank. Ngân hàng cho rằng "siêu lừa" Hà Thành có quan hệ vay mượn với người tham gia tố tụng khác, dùng thủ đoạn gian dối để lấy tiền của những người này chứ không phải lấy tiền của ngân hàng.
NCB còn đề nghị tuyên bố giao dịch gửi tiền của vợ chồng ông Toàn, giao dịch cầm cố sổ tiết kiệm, giao dịch NCB cho vay… đều là vô hiệu. Theo đó, Thành sẽ là người phải trả tiền cho vợ chồng ông Toàn chứ không phải ngân hàng.
Tại VietABank, ngoài vợ chồng ông Toàn, "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành còn vay tiền của nhiều người khác dưới hình thức mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu. Thành và đồng phạm làm giả chữ ký của đồng sở hữu, cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền của chính VietABank.
Quá trình giải quyết vụ án, VietABank đã dùng các khoản tiền gửi của các đồng sở hữu nhằm tất toán các khoản vay mà nhóm "siêu lừa" vay. Ngân hàng này đề nghị tòa án đánh giá việc rút tất toán số tiền trên là có căn cứ pháp luật, đồng thời buộc Thành phải bồi thường cho ngân hàng và các đồng sở hữu…
Khi "đại gia" mắc kẹt vì tiền
Trái với đề nghị của phía ngân hàng, các "đại gia" liên quan đến hành vi phạm tội của "siêu lừa" Hà Thành đều mong muốn được lấy lại tiền của mình trong sổ tiết kiệm.
Ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết đã thực hiện đầy đủ các quy trình khi thực hiện mở sổ tiết kiệm, tin tưởng tuyệt đối vào nhân viên, rất yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng.
Thời điểm hành vi của Thành bị phát hiện, ông Toàn trình báo công an, đồng thời đến ngân hàng làm việc và được cam kết trả lại tiền nếu chữ ký trên hồ sơ vay vốn không phải của ông, nhưng đến nay "vẫn chưa trả đồng nào". Tổng số tiền mà "đại gia" này đang bị "đóng băng" ở PVcomBank, VietABank và NCB là 122 tỉ đồng.
"Tôi muốn ngân hàng trả lại tiền của tôi trong các sổ tiết kiệm, bao gồm cả tiền lãi tính đến thời điểm hiện tại, theo đúng quy định pháp luật", ông Toàn nói trước tòa, đồng thời không đồng ý với quan điểm của các ngân hàng.
Một "đại gia" khác là ông Triệu Hùng Cường, bị xác định thiệt hại 29 tỉ đồng do hành vi lừa đảo của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm tại VietABank.
Tham gia xét hỏi, luật sư của ông Cường hỏi đại diện VietAbank vì sao lại tự ý tất toán các sổ tiết kiệm và thu giữ tiền gửi tiết kiệm của ông Cường. "Thân chủ tôi ký hợp đồng tiền gửi với ngân hàng, tiền nộp theo đúng quy định, đã ký và nhận đầy đủ phiếu kiểm tiền. Nay hết thời hạn gửi, tại sao VietAbank không trả tiền?", luật sư đặt vấn đề.
Đại diện VietAbank khẳng định phía ngân hàng không làm việc theo khái niệm "tự ý". VietABank nhận thấy các sổ tiết kiệm có dấu hiệu liên quan vụ án nên có trách nhiệm làm các nghiệp vụ, đúng thẩm quyền ngân hàng, đảm bảo cho công tác điều tra.
Khi luật sư truy vấn "dấu hiệu" liên quan là gì, đại diện VietAbank nói "tôi không trả lời". Luật sư tiếp tục hỏi ngân hàng dựa vào đâu để rút tất toán toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm của các đồng sở hữu. Phía VietABank không hồi đáp.
Theo luật sư, khách hàng ký hợp đồng hợp pháp với ngân hàng và việc "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký để thế chấp sổ tiết kiệm và vay tiền là 2 việc khác nhau. "Khách hàng không thế chấp thì phải trả lại tiền cho họ, Thành giả chữ ký để chiếm đoạt tiền của VietAbank thì Thành phải bồi thường cho VietA bank, không thể lấy tiền của khách để đền cho VietAbank", luật sư nêu quan điểm.
Bình luận (0)