Sáng nay (22.4), TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), tài xế điều khiển xe Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không, bị thương tật vĩnh viễn 79%. Vụ án đang gây bức xúc dư luận khi Phong và mẹ bị cáo Phong có hành vi chuyển nhượng căn nhà duy nhất của Phong khi Phong đang ở nơi tạm giam. Theo Phong, việc chuyển nhượng này nhằm để mẹ ở ngoài lo khắc phục hậu quả trong vụ án.
HĐXX phúc thẩm cũng triệu tập 8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến tòa, trong đó có Công ty TNHH TM Du lịch Vận tải Khang Gia và Công ty Fumita, 2 đơn vị cho Phong thuê xe Mercedes, chiếc xe trong vụ tai nạn.
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Phong là người lái ô tô Mercedes gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 30.1.2020 ở đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), khiến người chạy xe dịch vụ GrabBike là ông Lê Mạnh Thường (64 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) tử vong, nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Thị Bích Hường (ngồi sau xe nạn nhân Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%.
Trước đó, ngày 9.4, TAND TP.HCM đã mở phiên xét xử sơ thẩm nhưng phiên tòa phải tạm hoãn do vắng mặt luật sư bào chữa của bị cáo Phong. Đồng thời, HĐXX phúc thẩm cũng cho biết Viện KSND Q.Phú Nhuận đã cung cấp toàn bộ hồ sơ công chứng căn nhà bị cáo đã chuyển nhượng cho mẹ bị cáo trong thời gian bị cáo tạm giam nên HĐXX cũng bổ sung tài liệu này vào hồ sơ vụ án phúc thẩm và đề nghị các luật sư tiếp cận hồ sơ.
Chuyển nhượng căn hộ để khắc phục hậu quả
Phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 2 người bị hại, đề nghị tăng hình phạt cho bị cáo. Đồng thời, người bị hại là chị Hường đề nghị HĐXX phúc thẩm làm rõ dấu hiệu tẩu tán tài sản để né bồi thường của mẹ con bị cáo; bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa phúc thẩm, Phong khai mục đích chuyển nhượng nhà cho mẹ - bà Trần Hoàng Mi, là để mẹ khắc phục hậu quả cho vụ án. Nhưng do nhà chưa có sổ hồng nên mẹ bị cáo chưa bán hoặc thế chấp để vay tiền được.
Về nguồn gốc căn nhà này, Phong khai mua căn hộ từ năm 2018, việc thương lượng mua bán, trả tiền đều do mẹ bị cáo đứng ra mua, bị cáo chỉ đến ký tên, tiền mua nhà cũng do mẹ bị cáo trả. Phong cũng khai Mẹ làm nội trợ. Tòa hỏi: “Làm nội trợ thì lấy đâu ra 1,4 tỉ đồng mua nhà”. Phong trả lời: “Không biết”.
|
Tại tòa, bà Trần Hoàng Mi cũng khẳng định nguyện vọng nhận chuyển nhượng căn nhà từ Phong là để bà ở ngoài có thể khắc phục hậu quả cho vụ án. Nhưng do căn nhà chưa có sổ hồng nên bà không thể thế chấp vay của ngân hàng.
Tòa: “Tại sao không bán cho người khác”?, thì bà Mi khai hơn hai mấy năm sống nhà thuê, nay có căn nhà, cả gia đình đều đang sống trong căn nhà này. Hơn nữa, bà Mi trình bày: “Nguồn gốc tiền mua nhà là do bố tôi mất, để lại cho tôi. Khi mua nhà, do tôi từng đi tù về hành vi đánh bạc, không còn giấy tờ nhân thân nên không thể đứng ra mua bán, nên tôi để Phong đứng tên căn nhà”.
Tại tòa, bà Mi cũng trình bày vẫn giữ nguyên nguyện vọng dùng căn nhà để khắc phục hậu quả trong vụ án.
Bình luận (0)