Vụ người lái ô tô tông nữ tiếp viên hàng không: Làm rõ dấu hiệu “tẩu tán tài sản” tại nơi tạm giam

10/04/2021 06:10 GMT+7

Ngày 9.4, TAND TP.HCM hoãn xử phiên phúc thẩm vụ án “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM).

 
 
Theo HĐXX, do luật sư (LS) của bị cáo vắng mặt nên bị cáo có yêu cầu hoãn phiên tòa; đồng thời Viện KSND Q.Phú Nhuận cung cấp toàn bộ hồ sơ công chứng căn nhà bị cáo đã chuyển nhượng cho mẹ bị cáo trong thời gian bị cáo tạm giam, nên HĐXX cũng bổ sung tài liệu này vào hồ sơ vụ án phúc thẩm và đề nghị các luật sư tiếp cận hồ sơ nếu thấy cần thiết.

Vụ án "Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không gãy chân" vẫn chưa hồi kết

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Phong là người lái ô tô hiệu Mercedes gây ra vụ tai nạn rạng sáng 30.1.2020 ở đường Hồng Hà (Q.Phú Nhuận), khiến người chạy xe dịch vụ GrabBike là ông Lê Mạnh Thường (64 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) tử vong, chị Nguyễn Thị Bích Hường (tiếp viên hàng không, ngồi sau xe nạn nhân Thường) bị thương tật vĩnh viễn 79%.
Ngày 16.12.2020, TAND Q.Phú Nhuận (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Phong 7 năm 6 tháng. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX sơ thẩm buộc Phong bồi thường hơn 1,4 tỉ đồng cho chị Hường; bồi thường cho người đại diện hợp pháp của ông Thường hơn 477 triệu đồng.
Sau đó, chị Hường kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tăng hình phạt với Phong; đề nghị cấp phúc thẩm làm rõ hành vi bị cáo cùng mẹ tẩu tán tài sản để né bồi thường thiệt hại trong quá trình bị cáo đang bị tạm giam.
Làm rõ dấu hiệu “tẩu tán tài sản” tại nơi tạm giam

Bị cáo Phong tại tòa

Tiếp viên hàng không bị Mercedes tông: "Gia đình Phong không hỏi thăm một câu"

Sang tên căn hộ tại nơi tạm giam

Đó là một trong những nội dung mà cấp phúc thẩm yêu cầu làm rõ. Theo đó, TAND TP.HCM yêu cầu Viện KSND TP.HCM xác minh việc bị cáo cùng mẹ và công chứng viên đến nơi tạm giam thực hiện công chứng chuyển nhượng sang tên căn hộ của bị cáo.
Từ đó, ngày 6.4, Viện KSND TP.HCM có văn bản yêu cầu Viện KSND Q.Phú Nhuận xác minh, bổ sung các tài liệu chứng cứ về hồ sơ công chứng căn nhà. Theo Viện KSND TP.HCM, đơn kháng cáo của người bị hại có tình tiết mẹ bị cáo Phong cùng công chứng viên đến nơi tạm giam Phong để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo, nhằm tẩu tán tài sản. Nhưng qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhận thấy vấn đề này chưa được xác minh làm rõ.
Viện KSND TP.HCM yêu cầu Viện trưởng Viện KSND Q.Phú Nhuận làm rõ có hay không việc chuyển nhượng, sang tên căn hộ. Nếu có, đề nghị xác định thời điểm sang tên, công chứng vào thời điểm nào.
Đồng thời, Viện KSND TP.HCM nêu rõ, bị cáo Phong bị khởi tố, truy tố về tội “vi phạm quy định giao thông đường bộ” gây hậu quả về thiệt hại tài sản, sức khỏe, tính mạng người khác; căn cứ điều 128 bộ luật Tố tụng hình sự thì trường hợp của bị cáo phải kê biên tài sản để đảm bảo bồi thường thiệt hại, nhưng tại sao các cơ quan tiến hành tố tụng Q.Phú Nhuận lại cho bị cáo cùng gia đình và công chứng viên đến nơi tạm giam để làm thủ tục sang tên căn hộ của bị cáo (!?).

Mẹ của tài xế Mercedes tông tiếp viên hàng không ngất xỉu khi con lãnh án

Chuyển nhượng căn hộ để khắc phục hậu quả

Theo hồ sơ công chứng, ngày 18.6.2020, bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ bị cáo Phong) có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an Q.Phú Nhuận cho phép bà và đại diện Văn phòng công chứng Đồng Thị Hạnh (TP.HCM) vào nơi tạm giam là Nhà tạm giữ Công an Q.Phú Nhuận, thực hiện việc chuyển nhượng 1 căn hộ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) từ Phong sang bà Mi.
Ngày 22.6.2020, từ nơi tạm giam, Phong có đơn gửi Công an Q.Phú Nhuận, xin gặp mặt công chứng viên để làm thủ tục sang tên hợp đồng mua bán. Trong đơn, Phong nêu mình là người đứng tên 1 căn hộ tại Q.Gò Vấp, theo hợp đồng mua bán… “Nay tôi có nhu cầu chuyển nhượng hợp đồng trên cho mẹ tôi, để mẹ có điều kiện lo khắc phục hậu quả tai nạn do tôi gây ra”, Phong nêu trong đơn.
Tại phiên tòa sơ thẩm, với những yêu cầu bồi thường do bị hại đưa ra, Phong đồng ý bồi thường, nhưng sẽ bồi thường trước 50 triệu đồng/người, số tiền còn lại bị cáo sẽ tiếp tục bồi thường sau khi chấp hành án xong.
Hiện căn hộ nay đứng tên mẹ của Phong trên hợp đồng mua bán và gia đình Phong đang ở trong căn nhà đó.

Nghi vấn tài xế Mercedes tẩu tán tài sản: Tiếp viên hàng không cần xử lý sao?

Theo LS Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM), thời điểm công chứng chuyển nhượng căn hộ, bị cáo Phong đề cập việc “để mẹ có điều kiện lo khắc phục hậu quả” do bị cáo gây ra. Vì vậy, nội dung này tại tòa phúc thẩm phải được làm rõ. Đồng thời, nếu các bên cam kết sẽ dùng căn nhà để bồi thường cho các bị hại và cam kết này được ghi nhận trong bản án thì người bị hại không cần phải khởi kiện đòi bồi thường bằng vụ án dân sự khác, mà sẽ được tòa án giải quyết trong vụ án hình sự trên.
“Nguyên tắc trong quá trình xét xử vụ án hình sự, đồng thời tòa án có thẩm quyền giải quyết các vấn đề dân sự liên quan. Vì vậy, trong phạm vi của mình, tòa sẽ xem xét việc căn nhà sẽ được sử dụng khắc phục hậu quả như thế nào, theo nguyện vọng của bị cáo”, LS Hà Hải nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.