Trước đó, lúc 8 giờ ngày 22.3 tại đường Nguyễn An Ninh (P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu), đoạn gần vịnh Đà Nẵng, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng phát hiện xe ô tô 43C - 092.09 do Nguyễn Nam Phương (52 tuổi, ngụ P.Hoà Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) điều khiển, đang bốc lô hàng khẩu trang lên xe container BS 29H - 224.46 của Trương Đình Chi (33 tuổi, ngụ xã An Ninh, H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam).
Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện 69 thùng các tông với 207.000 cái khẩu trang không có nhãn mác (Thanh Niên đã thông tin).
Trao đổi với Thanh Niên, đại tá Nguyễn Viết Cử, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm và ma túy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, cho hay qua tạm giữ lô hàng, kiểm tra hóa đơn, chứng từ, xác định chủ hàng là công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở KCN Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu), có giấy phép sản xuất, công ty cho biết chuyên xuất khẩu trang đi nước ngoài, ít khi bán trong nước.
“Nay dịch COVID-19 nên có doanh nghiệp trong nước đặt mua và yêu cầu không in nhãn mác, nếu xuất đi nước ngoài thì được, nhưng nếu bán trong nước thì phải ghi nhãn mác, địa chỉ sản xuất, doanh nghiệp cũng cầu thị, thừa nhận chưa nắm được các quy định nên nhận lỗi, chấp nhận hình thức xử lý để rút kinh nghiệm”, đại tá Nguyễn Viết Cử nói.
Do đó, ngoài bị phạt tiền, doanh nghiệp còn chịu hình thức khắc phục bổ sung là phải in nhãn mác lên lô hàng khẩu trang trước khi xuất đi. Đối với tài xế có hợp đồng vận chuyển nhưng không biết các thiếu sót của lô hàng, lực lượng kiểm tra tài xế có các giấy tờ hợp lệ nên trả lại phương tiện, không xử lý.
Bình luận (0)