Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần làm gì để được nhận lại tiền?

28/03/2024 14:58 GMT+7

Tòa tuyên Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải bồi thường hơn 8.600 tỉ đồng đã chiếm đoạt. Vậy, nhà đầu tư cần làm gì để nhận lại được số tiền này?

Như Thanh Niên đưa tin, TAND TP.Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (gọi tắt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh), 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 14 bị cáo khác, trong đó có con trai ông Dũng, bị tuyên thấp nhất 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 3 năm tù.

Ngoài trách nhiệm hình sự, tòa còn buộc ông Dũng bồi thường toàn bộ số tiền hơn 8.600 tỉ đồng đã chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư, thông qua việc phát hành rồi bán trái phiếu không đúng quy định.

Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần làm gì để được nhận lại tiền?- Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (phải) cùng các bị cáo tại tòa

PHÚC BÌNH

Cần chờ bản án có hiệu lực

Hồ sơ vụ án cho thấy, cơ quan tố tụng hiện đang tạm giữ hơn 8.600 tỉ đồng, gồm gần 3.000 tỉ thu hồi trong quá trình điều tra và hơn 5.600 tỉ do bị cáo Đỗ Anh Dũng cùng gia đình tự nguyện nộp. Số tiền này đủ để khắc phục hết hậu quả.

Quá trình xét xử, rất nhiều nhà đầu tư (xác định là bị hại) đề nghị được trả lại tiền ngay sau khi phiên tòa kết thúc. Tuy nhiên, hội đồng xét xử quyết định tiếp tục tạm giữ số tiền trên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Vậy, nhà đầu tư cần làm gì để được trả lại số tiền bị chiếm đoạt? Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng VPLS Kết Nối, Đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết điều đầu tiên các bị hại cần làm là chờ bản án có hiệu lực pháp luật.

Bản án mà TAND TP.Hà Nội vừa tuyên sẽ có hiệu lực pháp luật nếu không có ai kháng cáo (trong vòng 15 ngày kể từ khi tuyên án, hoặc 15 ngày kể từ khi nhận được bản án - với những người không tham dự phiên tòa), không có cơ quan nào kháng nghị (trong vòng 30 ngày kể từ khi tuyên án).

Trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm tòa án cấp phúc thẩm tuyên án.

Sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, bị hại cần làm đơn đề nghị thi hành án, nộp đến Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội để được giải quyết theo thẩm quyền. Số tiền đang tạm giữ sẽ chuyển từ cơ quan công an sang cơ quan thi hành án, trả lại cho bị hại (theo phụ lục bản án, xác định số tiền bị chiếm đoạt cụ thể của mỗi người).

Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần làm gì để được nhận lại tiền?- Ảnh 2.

Hàng ngàn nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh làm thủ tục tham dự phiên tòa

PHÚC BÌNH

Không kháng cáo, có được trả tiền trước?

Do số lượng bị hại rất lớn, yêu cầu cũng khác nhau. Vậy những bị hại không có nhu cầu kháng cáo thì có được lấy tiền trước những người sẽ kháng cáo?

LS Hùng nhận định 2 khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, bị hại nào không kháng cáo thì bản án của TAND TP.Hà Nội sẽ có hiệu lực một phần đối với họ, sẽ được giải quyết bồi thường trước. Thứ hai, cơ quan thi hành án sẽ đợi bản án có hiệu lực toàn phần rồi giải quyết một thể.

"Tôi nghiêng về khả năng thứ hai hơn, vì số bị hại rất đông, việc có người kháng cáo là rất dễ xảy ra, đồng nghĩa sẽ có phiên tòa phúc thẩm. Cơ quan thi hành án sẽ đợi bản án phúc thẩm để xem có thay đổi, hủy, sửa gì không; rồi giải quyết một cách tổng thể", LS Hùng phân tích.

Vấn đề nữa được nhiều người quan tâm, đó là một số bị hại yêu cầu phía Tân Hoàng Minh phải trả cả tiền lãi phát sinh, ngoài tiền gốc đã bỏ ra mua trái phiếu. Trong bản án đã tuyên, hội đồng xét xử bác bỏ yêu cầu này vì cho rằng không có căn cứ chấp nhận. Liệu họ có thể tiếp tục đưa ra yêu cầu này bằng một vụ khởi kiện?

LS Hùng cho hay, bản án sơ thẩm đã bác yêu cầu trên của các nhà đầu tư. Trường hợp bản án dành quyền khởi kiện cho các bị hại trong một vụ án khác thì họ có thể khởi kiện để tiếp tục đòi quyền lợi.

Ngược lại, nếu bản án không dành cho họ quyền khởi kiện ở một vụ án khác thì họ sẽ không thể khởi kiện để đòi số tiền lãi phát sinh như mong muốn của mình. Bởi theo pháp luật dân sự, nếu tranh chấp đã được giải quyết ở một bản án có hiệu lực thì tòa sẽ không thụ lý nữa.

Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần làm gì để được nhận lại tiền?- Ảnh 3.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng bị tòa tuyên bồi thường toàn bộ hơn 8.600 tỉ đồng cho 6.630 bị hại

PHÚC BÌNH

3 lưu ý với nhà đầu tư

LS Nguyễn Thị Mai (Công ty luật Hà Trọng Đại và cộng sự, Đoàn LS TP.Hà Nội) đưa ra 3 lưu ý đối với các bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh, để có thể lấy lại số tiền đã bị chiếm đoạt.

Thứ nhất, các bị hại cần kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ thông tin cá nhân cũng như số tiền bị thiệt hại. Vụ án có tới 6.630 bị hại, rất dễ nhầm lẫn thông tin trong quá trình giải quyết, gây khó khăn khi thi hành án sau này.

Do đó, các bị hại phải cẩn thận rà soát, đối chiếu thông tin cá nhân của mình trong hồ sơ vụ án, có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung đến thư ký phiên tòa để chỉnh sửa, điều chỉnh kịp thời.

Thứ hai, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bị hại cần chuẩn bị hồ sơ gồm: đơn yêu cầu thi hành án dân sự, giấy tờ tùy thân của người yêu cầu, bản án có hiệu lực pháp luật gửi đến Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội.

Thời gian thực hiện thi hành án tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, nhưng nếu không gặp các sự kiện bất khả kháng hoặc trì hoãn thì thường trong khoảng 45 ngày.

Thứ ba, bị hại cần lưu ý thời hiệu yêu cầu thi hành án. Điều 30 luật Thi hành án dân sự quy định, "trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án".

Do vậy, các bị hại cần lưu tâm về thời hiệu yêu cầu thi hành án để tránh trường hợp hết thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu thi hành án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.