Tại Kết luật điều tra vụ Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) và đồng phạm, để xác định thiệt hại trong việc phát hành cổ phần hơn 940 tỉ đồng trong vụ án, CQĐT đã tiến hành định giá tài sản để có căn cứ xác định cụ thể giá trị thiệt hại trong vụ án.
Xác định chính xác tài sản nhà nước bị thất thoát
Như Thanh Niên thông tin, Viện KSND TP.HCM có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án liên quan đến bị can Tất Thành Cang và đồng phạm.
Trước đó, ngày 12.1, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC03) hoàn tất kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty con của IPC). Đồng thời chuyển kết luận sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang và các đồng phạm về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “tham ô tài sản”.
Viện KSND còn đề nghị CQĐT xác định có hay không tài sản của nhà nước bị thất thoát trong khoảng thời gian từ lúc Công ty Sadeco chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim (năm 2017) đến lúc 2 bên chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng, trả lại tiền và cổ phần cho nhau (năm 2019). Trong thời gian này, vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Sadeco đã giảm từ 44% xuống 28,8%, nếu có thất thoát, đề nghị tiến hành giám định giá trị tài sản thất thoát.
Ngoài ra, Viện KSND yêu cầu CQĐT xác định chính xác tài sản nhà nước bị thất thoát trong vụ án, đề nghị CQĐT phải kết luận về việc xác định trị giá cổ phần, từ đó xác định số tiền bị thất thoát do việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần.
Viện KSND TP.HCM đề nghị CQĐT tiếp tục làm rõ có hay không vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim trong vụ án đối với việc mua 9 triệu cổ phần của Công ty Sadeco.
Quan điểm của Viện KSND về cách tính thiệt hại
Kết luận điều tra thể hiện, việc không thực hiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM và không thực hiện theo các quy định pháp luật về việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đã dẫn đến thiệt hại cho toàn bộ cổ đông của Sadeco tạm tính là hơn 940 tỉ đồng; trong đó gây thất thoát, thiệt hại cho vốn của UBND TP.HCM (44%) là 413,776 tỉ đồng.
Cũng theo KLĐT, để xác định thiệt hại trong việc phát hành cổ phần hơn 940 tỉ đồng nêu trên, ngày 27,12.2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có Yêu cầu định giá tài sản số 580 - 02 đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM xác định trị giá các khu đất của Sadeco theo giá thị trường tại thời điểm phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, làm căn cứ xác định cụ thể giá trị thiệt hại trong vụ án.
Ngày 21.8.2020, Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự TP. HCM có Kết luận định giá, kết luận tổng giá trị các khu đất của Sadeco là 2.889 tỉ đồng (giá trị sổ sách của Sadeco chỉ xác định giá trị tài sản là hơn 400 tỉ đồng).
Ngày 14.12.2020, CQĐT có đề nghị Hội đồng định giá tài sản xác định giá trị doanh nghiệp của Sadeco tại thời điểm tháng 1.2017. Ngày 28.12.2020, Hội đồng định giá trả lời không tiến hành định giá, xác định giá trị doanh nghiệp vì CQĐT yêu cầu xác định giá trị doanh nghiệp vào tháng 01.2017 là trước thời điểm Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15.11.2017 của Bộ Tài chính có hiệu lực và thời điểm trước đó không có văn bản khác hướng dẫn Hội đồng định giá việc xác định cụ thể giá trị doanh nghiệp.
Căn cứ kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và các quy định pháp luật liên quan, ngày 6.1.2021, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có văn bản gửi Viện KSND TP.HCM trao đổi về phương pháp, kết quả xác định thiệt hại trong việc Sadeco phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Theo KLĐT, để xác định giá trị cổ phần của Sadeco làm cơ sở để xác định thiệt hại trong việc Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, có thể sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu (là phương pháp Công ty HSC sử dụng để xác định giá trị cổ phần Sadeco) và phương pháp tài sản.
Theo đó, nếu dùng phương pháp chiết khấu thì xác định giá trị cổ phần của Sadeco vào thời điểm tháng 1.2017 là 86.383 đồng/cổ phần. Thiệt hại của việc phát hành 9 triệu cổ phần là hơn 417 tỉ đồng.
Nếu sử dụng phương pháp tài sản theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011 của Chính phủ, là phương pháp đánh giá giá trị cổ phần của Sadeco tại một thời điểm cụ thể của công ty, thì xác định thiệt hại của việc Sadeco phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần vào thời điểm tháng 1.2017 là hơn 940 tỉ đồng.
Ngày 7.1.2021, Viện KSND TP.HCM có văn bản trao đổi quan điểm về việc xác định hậu quả thiệt hại. Cụ thể, về phương pháp dòng tiền chiết khấu, việc sử dụng phương pháp định giá này chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, Công ty HSC không có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính. Việc sử dụng phương pháp định giá theo cách của Công ty HSC là không có căn cứ.
Viện KSND TP.HCM nêu rằng, về phương pháp tài sản được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011 của Chính phủ. Do đó, việc Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định giá trị tài sản của Sadeco là 2.889 tỉ đồng là có căn cứ. Do đó, Viện KSND TP.HCM đề nghị CQĐT kết luận điều tra xác định thiệt hại là 940 tỉ đồng.
Bình luận (0)