'Vụ Thủ Đức House tác động mạnh đến tâm lý công chức ngành thuế'

09/10/2024 17:42 GMT+7

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nói rằng, vụ việc Thủ Đức House đã tác động mạnh tới tâm lý, hành vi của công chức ngành thuế.

Tại phiên thảo luận thuộc khuôn khổ diễn đàn Pháp luật và Kinh doanh năm 2024, tổ chức ngày 9.10, nhiều đại biểu đề cập tới câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT).

Truy xuất xong hết rồi mới hoàn thuế, không doanh nghiệp nào đợi được

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng dù các cơ quan thuế đã rất cố gắng, nhưng hoàn thuế VAT đến thời điểm này vẫn là câu chuyện "nóng".

'Vụ Thủ Đức House tác động mạnh đến tâm lý công chức ngành thuế'- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Cúc và ông Nguyễn Văn Phụng tại phiên thảo luận

ẢNH: AN NHƯ

Dẫn chứng trường hợp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ mua gỗ của doanh nghiệp thương mại chuyên về xử lý gỗ. Bên bán đã cung cấp hóa đơn, chứng từ đầy đủ và bên sản xuất đã thực hiện xuất khẩu đúng quy định của hải quan, hàng đã xuất khẩu, kê khai đủ thuế. Xét về mặt thủ tục, doanh nghiệp xuất khẩu là có thực, cơ quan thuế hoàn thuế cũng là đúng chế độ.

Tuy nhiên, khi một số cơ quan khác thanh tra, kiểm tra thì phát hiện doanh nghiệp thương mại chuyên về xử lý gỗ đã mua gỗ đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, hoặc nông dân nhưng không có hóa đơn, chứng từ. Cơ quan thanh tra, kiểm tra do đó loại trừ hoàn thuế cho đơn vị xuất khẩu và kết luận cơ quan thuế là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, truy thu thuế.

"Về mặt pháp lý, cơ quan thuế hoàn thuế khi có hóa đơn xuất khẩu và người sản xuất có sản phẩm xuất khẩu thì phải hoàn. Nhưng trong luật không có quy định là phải truy thu tất cả các khâu trước đó. Điều này làm cơ quan thuế hết sức băn khoăn lo lắng", bà Cúc nói.

Để giải quyết vấn đề, bà Cúc cho rằng cần có sự "cắt khúc". Khi bên sản xuất có sản phẩm xuất khẩu, đủ thủ tục theo quy định, bên bán hàng kê khai nộp thuế đầu vào, thì là đủ điều kiện hoàn thuế. Cơ quan thuế theo đó mà hoàn thuế là đúng.

Trường hợp cơ quan khác truy ra đầu vào không có hóa đơn, mua bán trôi nổi thì đó là trách nhiệm bên thương mại, "chứ không thể đưa trách nhiệm tất cả các khâu đổ dồn lên doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan thuế".

Trao đổi thêm, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), nói trước đây ngành thuế triển khai việc hoàn thuế trước kiểm tra sau rất tốt, nhưng sau nhiều vụ án xảy ra, cán bộ ngành thuế rất sợ trách nhiệm.

"Có những vụ án khi cơ quan thuế đã thu hồi đủ tiền thuế đã hoàn nhưng vẫn bị quy là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chính từ việc đó, tâm lý của cán bộ ngành thuế rất dè dặt, rất nhiều cán bộ thuế của Cục thuế TP.HCM xin nghỉ việc", ông Phụng lấy ví dụ.

Ông Phụng nói thêm, việc truy xuất từ F0 đến F3, F4… xong mới hoàn thuế, trong khi mỗi khâu truy xuất phải chờ 45 ngày, thì không doanh nghiệp nào chờ đợi được. Do đó, giải pháp là hoàn thuế trước kiểm tra sau, yêu cầu doanh nghiệp cam kết, nếu phát hiện cam kết sai thì sẽ xử lý sau.

'Vụ Thủ Đức House tác động mạnh đến tâm lý công chức ngành thuế'- Ảnh 2.

Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trao đổi tại diễn đàn

ẢNH: AN NHƯ

Cần có quy định pháp luật để công chức thuế yên tâm

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết nếu như năm ngoái vấn đề hoàn thuế VAT "rất nóng" thì năm nay "vẫn còn nóng", nhưng đã được cải thiện từng ngày.

Ông Thành chia sẻ, vụ án Thủ Đức House tại TP.HCM đã tác động mạnh tới tâm lý, hành vi của công chức ngành thuế. Ngay khi nắm được vấn đề, Tổng cục Thuế đã có những biện pháp kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hoàn thuế VAT đã tăng lên, dù vẫn còn một số trường hợp vướng.

Đề cập nguyên tắc hoàn thuế VAT được áp dụng vào quản lý rủi ro, ông Thanh cho hay 80% số hồ sơ doanh nghiệp được hoàn thuế trước kiểm tra sau, 20% còn lại là kiểm tra trước hoàn thuế sau. Những trường hợp vướng thường rơi vào số 20%, nhưng nói vậy không phải tất cả 20% đó đều có vấn đề.

Nhận thấy vụ việc Thủ Đức House đã cảnh tỉnh cho cơ quan thuế "quá mức thận trọng", ông Thành đề xuất cần có quy định pháp luật để công chức thuế yên tâm, rằng "khi anh đã làm hết trách nhiệm rồi thì anh được giải trừ".

Vẫn theo vị Tổng cục trưởng, với hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau, doanh nghiệp có hồ sơ, hóa đơn chứng từ đầu vào thì sẽ được hoàn. Nhưng với hình thức kiểm tra trước hoàn thuế sau, luật Quản lý thuế chỉ quy định cơ quan thuế phải kiểm tra, còn kiểm tra như thế nào, kiểm tra đến đâu lại chưa có quy định.

Trong khi đó, việc xác minh là rất dài và phức tạp, có doanh nghiệp ở TP.HCM nhưng phải xác minh ở miền Bắc, dẫn tới cản trở và kéo dài thời gian hoàn thuế.

Một khó khăn nữa, theo chia sẻ của ông Thành, đó là khi hoạt động kinh doanh đã hoàn thành và chỉ còn lại bộ hồ sơ nộp cho cơ quan thuế. Vì thế, cơ quan thuế sẽ rất đồng tình nếu quy định cho phép người xuất khẩu được hoàn thuế trước và mọi sai phạm sẽ suy xét sau. Như vậy thì cơ quan thuế sẽ làm việc rất nhanh, ai sai người đó chịu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.