Vụ Thuduc House: Các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Ngân Nga
Ngân Nga
23/04/2024 06:11 GMT+7

TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House). Phiên tòa được mở do có 43 trong tổng số 67 bị cáo kháng cáo đề nghị tòa xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Ngày 22.4, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House).

Phiên tòa được mở do có 43 trong tổng số 67 bị cáo kháng cáo đề nghị tòa xem xét lại bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM. Ngoài ra, vụ án còn có kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: Công ty CP phát triển nhà Thủ Đức, Công ty TNHH thương mại quốc tế Hoàng Nam Anh…

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

NGUYỄN ANH

Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Một số bị cáo với vai trò thứ yếu trong vụ án được cấp sơ thẩm tuyên mức án thấp nên có mong muốn được tòa phạt tiền thay vì phạt tù. Các bị cáo đưa ra nhiều tình tiết mới như tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình khó khăn, lao động chính trong gia đình.

Cựu Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị cấp sơ thẩm là TAND TP.HCM phạt 4 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" kháng cáo xin được hưởng án treo. Năm 2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm cho rằng bị cáo Hạnh đã chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House đối với 15 kỳ (từ tháng 4.2018 - 6.2019) trái quy định.

Theo bị cáo Hạnh, mức án 4 năm tù là quá nghiêm khắc. Bị cáo không có động cơ vụ lợi, thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, hiểu biết pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế từng thời kỳ. Hậu quả vụ án đã khắc phục 100%, ngân sách nhà nước không bị thất thoát.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Hạnh đã tích cực hợp tác, cung cấp tài liệu, chứng cứ hỗ trợ cơ quan điều tra, thu hồi toàn bộ số tiền hơn 365 tỉ đồng, không gây thất thoát ngân sách. Cũng theo đơn kháng cáo thì bị cáo này có nhiều bệnh và đang phải điều trị tại bệnh viện, có nhiều thành tích trong quá trình công tác ngành thuế…

Trước đó, từ năm 2016 - 2020, bị cáo Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo nhiều người thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty "ma" (không có hoạt động kinh doanh thực tế), hoặc mua CMND từ nguồn trôi nổi và thuê làm giả để thành lập công ty.

Để chuyển tiền ra - vào Việt Nam, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), bị cáo Dũng đã chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị sẵn một số hàng hóa, linh kiện điện tử là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp. Từ đó, bị cáo Dũng và đồng phạm vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới gần 1.760 tỉ đồng; lừa đảo chiếm đoạt hơn 537 tỉ đồng thuế GTGT.

Giữa năm 2023, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm phạt các bị cáo từ phạt tiền đến 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Tiến Dũng đã bỏ trốn, đang bị truy nã…

Ngày 23.4, tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.