Ngày 6.11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm về các sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở giai đoạn 1. Các bị cáo kháng cáo xin tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa được chú ý bởi bị cáo Mai Hồng Chín, bị cấp sơ thẩm là TAND TP.HCM xử phạt 10 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì đây là mức án quá nặng.
Hợp thức hóa hàng trăm hồ sơ vay vốn
Trình bày tại tòa, bị cáo Chín khai nhiều lần bày tỏ không đồng ý ký duyệt các hồ sơ tái thẩm định. Tuy nhiên, lãnh đạo SCB đã yêu cầu bị cáo tiếp tục công việc này, giải thích rằng các hồ sơ đã được Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thanh tra chấp thuận, hay các hồ sơ này là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng và sẽ có phương án bán tài sản đảm bảo.
Vì lo lắng về công việc nên cuối cùng bị cáo Mai Hồng Chín quyết định nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 7.2019. Theo bị cáo, dù lúc đó mình được trả lương cao, nhưng do mất niềm tin vào lời nói của lãnh đạo ngân hàng, nhận thấy sự bất nhất giữa lời nói và hành động, nên bị cáo từ bỏ công việc, trở về quê làm nông.
Bị cáo Chín thừa nhận sai phạm của mình. Nguyên nhân là do bị cáo không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng, nên đã đặt niềm tin sai lầm vào những lời chỉ đạo của các lãnh đạo cấp trên tại SCB.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 9.2018 - 6.2019, bị cáo Chín đã ký hợp thức 95 hồ sơ vay vốn trái quy định tại SCB, tạo điều kiện để Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB sử dụng, gây thiệt hại hơn 94.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, liên quan đến vụ án, bị cáo Lê Khánh Hiền (50 tuổi, cựu Tổng giám đốc SCB) bị TAND TP.HCM xử phạt 5 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trương Mỹ Lan 'cương quyết xin lại' tòa nhà Times Square
Trước đó, SCB đã có công văn nhắc đến thành tích của bị cáo Hiền trong đề án tái cơ cấu, giúp ổn định tính thanh khoản, hiện đại hoá công nghệ thông tin tại ngân hàng này. Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 6.2012 - 5.2013, bị cáo đã ký hợp thức 72 hồ sơ vay vốn trái quy định tại SCB. Việc làm này đã tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền của ngân hàng để sử dụng, gây thiệt hại hơn 3.877 tỉ đồng.
Hồi tháng 4.2024, xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ và 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỉ đồng, bị cáo Lan phải chịu hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Tòa tuyên tiếp tục kê biên hàng loạt các bất động sản khủng liên quan đến bị cáo Lan, bao gồm biệt thự cổ 110 - 112 Võ Văn Tần (Q.3), và tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)...
Theo tòa, bị cáo Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bị cáo sở hữu và chi phối hơn 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, trong giai đoạn từ 2011 - 2022, bị cáo Lan đã chỉ đạo các cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB giải ngân cho nhóm bị cáo hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ đồng tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Song tòa xem xét nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo các khoản nay, từ đó bị cáo Lan và đồng phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trên số tiền thiệt hại là khoảng 498.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)