Vụ tử vong sau khi ăn ốc lạ: Bác sĩ nói gì?

Duy Tính
Duy Tính
14/09/2020 15:14 GMT+7

Liên quan đến vụ ngộ độc ốc lạ, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết ngộ độc hải sản là bệnh lý thường gặp.

 Ngày 11.9, nhóm 3 ngư dân ở H.Vạn Ninh, Khánh Hòa đi đánh bắt cá thì lặn bắt được 1 túi ốc lạ, vỏ có màu nâu với những chấm trắng. Sau đó, 3 ngư dân cho 1 nửa và một nửa thì luộc ăn. Sau ăn, cả 3 người xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. 1 người đã tử vong sau đó, 2 người hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Mỗi năm tiếp nhận 100 ca

Liên quan đến ngộ độc ốc lạ, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết ngộ độc hải sản là bệnh lý thường gặp. Hàng năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc hải sản, trong đó có các trường hợp ngộ độc sau khi ăn ốc lạ. Có nhiều bệnh nhân ngộ độc phải thở máy, hỗ trợ. Tỷ lệ tử vong những ca này là rất thấp nếu kịp đưa vào các cơ sở y tế.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, có 2 nhóm độc chất thường gặp trong "ốc lạ" là Tetrodotoxin và Xavitoxin. Đây là 2 nhóm độc chất gây biến biến chứng thần kinh khá mạnh, gây bám dính và tê liệt tạm thời hệ thống thần kinh, với các triệu chứng điển hình là tê môi, dị cảm vùng hàm họng.

4 cấp độ ngộ độc

Theo TS.BS Lê  Quốc Hùng, có 4 cấp độ ngộ độc ốc lạ.
  • Độ 1: Nhẹ nhất là tê môi, tê miệng, tê lưỡi và các dị cảm vùng miệng sau ăn vài phút (5 phút), trung bình xuất hiện từ 0,5-1 giờ sau ăn
  • Độ 2: Tê môi, dị cảm vùng hầu họng, bắt đầu nói khó, nuốt vướng
  • Độ 3: Khó thở, co giật
  • Độ 4: Nặng nhất là tê phù hầu họng, liệt cơ hô hấp, không nói được, liệt cơ toàn thân và suy hô nhanh. Bệnh nhân sẽ tử vong nếu không cấp cứu kịp thời do suy hô hấp. 
Tuy nhiên, theo TS.BS  Lê  Quốc Hùng, vấn đề quan trọng nhất là các độc tố này không bị phá hủy bởi nhiệt độ, nên dù được nấu chín thì nếu ăn phải hải sản có độc vẫn không tránh được ngộ độc
“Trong đời sống tự nhiên, con ốc có khả năng tạo ra độc chất để bảo vệ bản thân. Ngộ độc thường gặp nhất là ăn ốc bùn. Một số người ăn nhầm ốc hình dạng giống ốc nón, ốc mặt trăng, ăn nhầm so biển nhưng tưởng là con sam...”, TS.BS Lê Quốc Hùng nói thêm.
Cũng theo TS.BS Lê Quốc Hùng, khi gặp các triệu chứng ngộ độc như đã nêu, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Trong điều trị ngộ độc ốc biển thì hoàn toàn là điều trị triệu chứng. Một số ca tử vong là do không đưa đến cơ sở y tế mà lại điều trị theo phương pháp -thuốc giải độc dân gian; hoặc đến cơ sở y tế không kịp do đang ở quá xa...
Ngoài ra, chất độc trong "ốc lạ" thường không có mùi, vị nên không nhận biết được. Quan trọng nhất là nhận biết các loại ốc lạ có độc. Nếu không biết ốc nào có độc, cần nhất là tuyệt đối tránh ốc lạ, cá lạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.