Chiều 23.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Dư và ông Phan Quý cho biết các bên đã hòa giải thành công vụ kiện “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” 674 m2 đất tại Q.Gò Vấp (TP.HCM). Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận, khi chiều 1.7.2020, vợ của ông Lê Văn Dư bức xúc, cho rằng TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên án không công tâm nên đòi nhảy lầu tại trụ sở TAND TP.HCM.
Khu đất tranh chấp |
SONG MAI |
Trước đó, ngày 16.12, TAND TP.HCM đã lập biên bản hòa giải thành, do các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Trong đó, các bên thỏa thuận công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Phan Quý với các ông bà Lê Văn Dư ngày 18.4.2009, ông Khâu Văn Sĩ ngày 3.2.2002 và ông Lê Sĩ Thắng ngày 18.4.2009.
Công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn Dư, ông Lê Sĩ Thắng và ông Khâu Văn Sĩ ngày 18.9.2013.
Công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Khâu Văn Sĩ với ông Lê Văn Dư ngày 3.11.2015.
Ghi nhận sự tự nguyện của ông Lê Văn Dư chỉ nhận 646 m2 tại thửa 504, tờ bản đồ số 40, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Từ đó, ông Lê Văn Dư được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất 646 m2 trên.
Đồng thời, vợ chồng ông Phan Quý có nghĩa vụ giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng liên quan đến thửa đất đang tranh chấp cho cơ quan có thẩm quyền để tách thửa, điều chỉnh quyền sử dụng đất sau khi trừ phần diện tích 646 m2 đã công nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Văn Dư.
Biên bản cũng nêu, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu đương sự nào có thay đổi ý kiến thì phải làm thành văn bản gửi cho tòa án. Hết thời hạn mà các bên không thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận thì tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Quyết định sẽ có hiệu lực ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Sau thời hạn 7 ngày, chiều 23.12, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Quý và ông Lê Văn Dư đều khẳng định không thay đổi ý kiến và đồng ý thực hiện các nội dung thỏa thuận đã được TAND TP.HCM lập biên bản vào ngày 16.12.
TAND cấp cao từng hủy án xét xử lại
Theo diễn biến vụ án, trong các giai đoạn 2002 và 2009, vợ chồng ông Phan Quý bán 674 m2 đất (mua bán bằng giấy tay) cho 3 ông Lê Văn Dư, ông Khâu Văn Sĩ, Lê Sĩ Thắng. Năm 2017, cho rằng việc mua bán chỉ bằng giấy tay, chưa công chứng, chứng thực, sang tên nhưng 3 người này lại thỏa thuận chuyển nhượng qua lại với nhau, xây nhà trái phép trên đất nên ông Quý kiện ra TAND Q.Gò Vấp yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng đất chưa có hiệu lực.
Không đồng ý, ông Dư, Sĩ, Thắng phản tố, yêu cầu ông Quý hoàn tất việc chuyển nhượng. Tháng 11.2019, TAND Q.Gò Vấp xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp hợp đồng dân sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa các bên. Với nhiều yếu tố, tòa chấp nhận công nhận một phần đất trong tranh chấp cho ông Dư và tuyên ông Dư có quyền liên hệ cơ quan chức năng tách thửa, đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với 174 m2/674 m2 đang tranh chấp.
Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM không công nhận việc chuyển nhượng đất trên giữa vợ chồng ông Phan Quý và 3 người nêu trên; công nhận 674 m2 đất thuộc quyền sử dụng của ông Quý.
Cho rằng bản án “bất công”, vợ ông Dư đòi nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND TP.HCM nhưng được bảo vệ cùng những người tham dự phiên tòa ngăn cản kịp thời.
Ngày 24.7.2020, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án phúc thẩm và sơ thẩm, giao lại cho TAND Q.Gò Vấp xét xử lại. Sau khi TAND Q.Gò Vấp thụ lý, TAND TP.HCM đã rút hồ sơ lên để giải quyết.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (một trong ba luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Lê Văn Dư) cho biết rất xúc động trong buổi hòa giải sáng 16.12. Bởi, sau khi thẩm phán Châu Thị Điệp trao đổi mục đích, ý nghĩa của buổi hòa giải, ông Lê Văn Dư đã đứng lên chủ động xin lỗi ông Phan Quý, bởi theo ông Dư, trong bổn phận làm con/cháu, nếu vô tình làm hoặc nói những điều chưa phù hợp dẫn đến việc ông Phan Quý hiểu lầm thì ông Dư cũng mong ông Quý tha thứ, bỏ qua.
Theo luật sư Thảo, sau khi các bên vui vẻ trò chuyện, trao đổi, ông Phan Quý đề xuất phương án hòa giải giữa các bên, đồng thời ông Phan Quý cũng đưa ra những lời tâm huyết, mong muốn hòa giải để tình cảm dòng họ, gia đình hai bên hàn gắn trở lại.
“Khi nhìn ông Phan Quý và ông Lê Văn Dư có thể nắm tay nhau, ôm nhau trong buổi hòa giải, chúng tôi tin rằng từ đây mọi hiểu lầm sẽ tan biến. Và ngoài việc pháp luật được giải quyết, thì tình cảm hai gia đình cũng sẽ giữ được, sau phiên tòa”, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo chia sẻ.
Theo luật sư Thảo, thẩm phán Châu Thị Điệp (TAND TP.HCM) cũng chính là cầu nối, khi dành nhiều thời gian, tâm huyết để trao đổi với các bên đương sự, giúp họ có tiếng nói chung, để có một kết quả hòa giải thành như ngày hôm nay.
Bình luận (0)