Nhận thức sự cần thiết của việc bảo vệ cây xanh, nhóm Nguyễn Đình Tâm (8 tuổi, học sinh Trường tiểu học Trung Tự, Nguyễn Thái Hoàng Diệp (8 tuổi, học sinh Trường tiểu học Việt Úc), Lê Việt Long (8 tuổi, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Siêu) nảy ra ý tưởng thiết kế thẻ bài PONYTREE.
Thẻ bài PONYTREE của nhóm học sinh |
NVCC |
Từ ý tưởng, nhóm bắt đầu thiết kế thẻ bài dựa vào thẻ bài của trò chơi Pokemon vốn rất phổ biến với các bạn nhỏ. Các thành viên trong nhóm tìm kiếm thông tin trên mạng về những loài cây.
Việt Long nói: “Em nhận thấy khó có thể tìm được thông tin phù hợp nên tìm đến sự hỗ trợ của bà ngoại, cựu giáo viên dạy sinh học Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Sau khi được bà hướng dẫn cách tìm kiếm và phân loại thông tin, chúng em quyết định sử dụng 2 tiêu chí là tác dụng/lợi ích và thời gian sống của từng loại cây".
“Chúng em liệt kê danh sách các loại cây theo sự phân loại trên, sau đó cả 3 cùng nhau thảo luận để lựa chọn ra 17 loại cây mà cả 3 bạn đều biết để tìm hiểu và lên ý tưởng thiết kế thẻ bài. Đó là: cây lương thực: khoai tây, ngô, lúa, bí đỏ, mướp đắng; cây ăn quả: xoài, ổi, khế, rau, bắp cải xanh, cà chua, súp lơ xanh; cây hoa: hoa giấy, lan hồ điệp, thiên điểu, oải hương; cây bụi: tre", Việt Long chia sẻ.
Sau khi tìm đầy đủ nội dung thông tin cần thiết, nhóm tiến hành thiết kế thẻ bài. Đầu tiên, nhóm thiết kế khung chung cho thẻ bài: 3 bạn cùng nhau vẽ ra giấy A0 ý tưởng thiết kế thẻ bài dựa trên ý tưởng của thẻ bài Pokemon. Trên cùng là tên của loại cây và tổng số điểm của chúng. Bên cạnh đó, ở mỗi thẻ bài, nhóm đều có ghi dòng chữ “Hãy trồng cây bạn nhé” để luôn nhắc nhở các bạn nhỏ tăng cường việc trồng cây và bảo vệ môi trường".
Hoàn thành việc thiết kế, nhóm học sinh được họa sĩ Trần Hùng hướng dẫn vẽ và tô màu các loại cây. Họa sĩ cho nhóm xem hình ảnh thật của các loài cây, sau đó hướng dẫn các bạn vẽ khung, rồi vẽ chi tiết của từng loại hoa, loại quả.
Đồng thời, nhóm được học cách pha màu sao cho giống với thực tế nhất. Sau 8 giờ, nhóm đã hoàn thành 17 bức vẽ các loài cây, quả. Tiếp đến, phụ huynh hỗ trợ nhóm thiết kế hình ảnh thẻ bài trên phần mềm Canva, giúp các em gửi sản phẩm đến nhà in.
Theo các thành viên trong nhóm, luật chơi của thẻ bài PONYTREE khá giống với trò chơi Pokemon. Bộ PONYTREE có 17 thẻ bài và được xáo trộn kỹ lưỡng. Ở một lượt chơi, sẽ có 3 người tham gia, một bạn là quản trò, 2 bạn sẽ tham gia chơi. Mỗi bạn tham gia chơi sẽ tiến hành rút 6 lá bài. Sau đó, các bạn sẽ mở các lá bài xem mình được tổng cộng bao nhiêu điểm, bạn nào nhiều điểm nhất sẽ giành chiến thắng. Cách tính điểm được dựa vào đặc điểm, tác dụng và thời gian sống của từng loại cây được nêu trên thẻ bài.
Hoàng Diệp chia sẻ: “Em hơi tiếc rằng nhà in đã in kích thước nhỏ hơn so với kích thước thẻ bài Pokemon truyền thống mà nhóm đã đặt hàng. Chúng em sẽ tiếp tục cải tiến thẻ bài".
Trong tương lai, nhóm mong muốn sẽ bổ sung thêm ô mã QR trên mỗi thẻ bài để từ đó sẽ dẫn đến các clip về cây xanh (rừng xanh tươi tốt, hoặc rừng xanh bị chặt phá, cháy rừng…), lợi ích của các loại cây xanh, hướng dẫn trồng cây, thu hoạch nông sản, làm đồ handmade để khơi gợi tình yêu cây xanh, yêu thiên nhiên.
Nhóm học sinh thiết kế bộ thẻ bài PONYTREE |
NVCC |
Được biết, dự án của nhóm đã giành được giải nhất trong vòng chung kết cuộc thi Dirt For Green Kids Challenge 2022 với chủ đề “Cùng thế xanh, trồng cây xây mái ấm muôn loài” tại TP.HCM hôm 21.8.
Đây là cuộc thi do tổ chức Design for Change Việt Nam (phong trào về trẻ em tham gia thay đổi cộng đồng bằng các sáng kiến của mình) thực hiện. Đồng thời, sản phẩm của nhóm sẽ tham gia Hội nghị trẻ em thế giới tại Malaysia vào tháng 11.
Trong vòng chung kết, có 6 dự án xuất sắc được chọn từ hơn 40 dự án xanh của các bạn nhỏ từ 7-15 tuổi trên cả nước. Các em tham gia trình bày ý tưởng, sáng kiến, ý tưởng tốt đẹp vì cộng đồng dựa trên phương pháp “Tư duy kiến tạo”.
Chia sẻ về thẻ bài PONYTREE, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, thành viên ban giám khảo vòng chung kết Dirt For Green Kids Challenge 2022, cho biết: “Dự án góp phần lan tỏa đến cộng đồng những thông điệp nhân văn, ý nghĩa, kêu gọi mọi người bảo vệ rừng, trồng rừng. Hơn nữa, dự án của các con không chỉ góp thêm cây xanh mà còn giúp các em học sinh học thêm về sinh học, địa lý".
Bình luận (0)