Vựa nông sản... bị nghẽn

03/09/2019 04:50 GMT+7

Đến hẹn lại lên, các tuyến đường huyết mạch từ TP.HCM về miền Tây lễ này lại trở thành nỗi kinh hoàng với hàng ngàn con người, hàng ngàn phương tiện lưu thông qua đây. Chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" này chẳng có gì mới.

Cảnh xe cộ ùn ứ kéo dài hàng ki lô mét; cảnh đường sá với dòng người nối đuôi nhau chờ đợi đến mòn mỏi trong khói bụi... vẫn thường xuyên xảy ra ở khắp các ngả đường về miền Tây. Nhưng nếu chỉ nhìn cảnh người dân khốn khổ mỗi dịp về quê nghỉ lễ, tết; thậm chí có lần CSGT phải phát nước suối tiếp sức cho bà con chống chịu với kẹt xe, tắc đường thì vẫn chưa đủ.
Miền Tây được mệnh danh là vựa lúa, vựa hải sản lớn nhất của cả nước nên hạ tầng giao thông yếu kém đã khiến doanh nghiệp và những người nông dân trồng lúa, nuôi tôm thiệt hại nặng nề. Những vấn đề này được đặt ra nhiều năm nay, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm để tháo nút thắt hạ tầng miền Tây cũng đã được phê duyệt; thế nhưng căn bệnh chậm tiến độ kinh niên vẫn đang khiến đường thông thương của vựa nông sản ra các thị trường tiêu thụ bị thắt lại.
Đơn cử dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài toàn tuyến 57,1 km, đi qua địa phận TP.HCM, các tỉnh Long An và Đồng Nai. Đây là công trình quan trọng, giúp giao thông giữa các tỉnh Tây và Đông Nam bộ không phải qua trung tâm của TP.HCM, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng.
Thế nhưng dự án đang chậm tiến độ vì nhiều lý do muôn thưở như chậm giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu không đáp ứng... Dịp lễ 2.9 vừa rồi, khu vực này ùn ứ nghiêm trọng dù lãnh đạo tỉnh Long An đã chủ động phân luồng, đặt biển cảnh báo từ trước chỉ dẫn để người dân không bị rơi vào "tâm bão kẹt xe". Thế nhưng tránh sao khi khỏi lộ trình từ miền Đông, TP.HCM về 12 tỉnh miền Tây còn lại đều phải qua địa phận tỉnh Long An? Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT trong phiên chất vấn mới đây hứa "cố gắng nhanh nhất, sớm nhất thông tuyến" thì hiện tại vẫn chưa... mở thầu.
Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2015, Tây Nam bộ đóng góp 18% GDP cả nước nhưng đầu tư cho giao thông chỉ 12%, tỷ lệ được nâng lên 15% gần đây nhưng vẫn chưa tương xứng với đóng góp của vùng này, thấp hơn so với yêu cầu và chậm hơn so với tốc độ của cả nước. Thế nên, hạ tầng giao thông miền Tây không chỉ là đẩy nhanh tiến độ các dự án mà còn phải được đầu tư tương xứng với đóng góp và nhu cầu phát triển.
Tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giữa tháng 6 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp tỷ trọng lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản. Vì thế, khu vực này sẽ được dành riêng 2 tỉ USD vốn tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2021 để đầu tư vào các dự án liên vùng giải quyết điểm nghẽn về giao thông vận tải, biến đổi khí hậu.
Người dân, doanh nghiệp và vựa nông sản lớn nhất cả nước lại hy vọng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.