Vừa qua Tết, vì sao người Sài Gòn thấy nắng rát da từ 8 giờ sáng?

15/02/2022 13:02 GMT+7

Những ngày gần đây, nhiệt độ cao nhất tại TP.HCM khoảng 35 o C. Tuy nhiên, người dân TP.HCM đã có thể cảm nhận được cái nắng rát da từ 8 giờ sáng. Vì sao lại như vậy?

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, học sinh ở TP.HCM trở lại trường học, đường phố đông đúc trở lại. Từ sáng sớm, chen chân trong dòng kẹt xe, nhiều người cho biết cảm thấy nắng rát da, mồ hôi nhễ nhại.

Với những người về quê ăn Tết, quay trở lại TP.HCM vào thời điểm này đã nhận ra thời tiết TP.HCM nắng gắt hơn so với trước kỳ nghỉ.

TP.HCM nắng rát da từ 8 giờ sáng

Mai Ngô

Theo ghi nhận, sáng 15.2 trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), Điện Biên Phủ (Q.3),... người tham gia giao thông bịt kín mít để chống nắng. Tại các giao lộ dừng chờ đèn giao thông, nhiều người tìm bóng mát để tránh nắng.

Nắng rát từ sáng sớm, người Sài Gòn bịt kín mít để mưu sinh

Chị Thanh Xuân (sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) cho biết, mỗi ngày phải chạy hơn 3km đến trường. Để tránh nắng nóng, chị tranh thủ thức dậy đi từ sớm khi trời còn mát, đến trưa nắng thì che chắn bằng áo khoác, váy chống nắng và dùng thêm kem chống nắng.

Người dân mặc áo khoác chống nắng ra đường

mai ngô

Làm nghề xe ôm hơn chục năm nay, ông Trần Văn Đức (63 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) không ngần ngại nhận những cuốc xe ra sân bay, giao thức ăn giữa 12 giờ trưa. Quay lại làm việc từ đầu tháng 10 , ông tâm sự đã “chai lì” với nắng mùa nóng. “Quen thì quen nhưng ở cả ngày ngoài nắng cũng mệt lắm chứ, nhưng vì mưu sinh nên chịu thôi, da dẻ tôi giờ đen nhẻm hết cả luôn rồi”, ông Đức vừa cười vừa nói.

Thời tiết oi ả, nắng nóng cũng là thời điểm “được mùa” nhất đối với bà Nguyễn Thị Kim Phụng (63 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM). Dọn tiệm nước ra từ 6 sáng đến 13 giờ, bà chủ yếu phục vụ cho khách văn phòng và người qua đường.

Vì sao nắng rát da từ sáng sớm?

Trao đổi với Thanh Niên, thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, tháng 2 là mùa khô, so với mọi năm, đây cũng là thời điểm nắng nhiều. Thông thường, Tết rơi vào tháng 1 thì mức độ nắng sau Tết đỡ hơn, nhưng Tết rơi vào tháng 2 thì sau kỳ nghỉ người dân thường thấy nắng gắt hơn.

Mai ngô

Cao điểm nắng nóng ở Nam bộ sẽ rơi vào cuối tháng 4, đầu tháng 5

Theo ông Quyết, có 3 nguyên nhân khiến người dân TP.HCM cảm thấy nắng rát da từ 8 giờ sáng. Thứ nhất, thời điểm này là mùa khô, không khí lạnh yếu hoặc không khuếch tán sâu xuống phía Nam nên Nam bộ chỉ có hoạt động áp cao cận, mà đây là dòng phân kỳ làm cho bầu trời ít mây, nắng nhiều.

Thứ hai, theo chuyển động của mặt trời, vào tháng 2, 3, 4 khoảng cách mặt trời – trái đất gần hơn nên cường độ bức xạ mặt trời mạnh hơn, chúng ta cảm nhận nắng gắt hơn. Trong mùa khô, ngày và đêm đều ít mây, do vậy buổi sáng mặt trời vừa ló lên, người đi đường đã có thể cảm nhận ngay được nắng nóng.

Thứ ba, mùa này độ ẩm không khí thấp, do vậy, người dân càng dễ cảm nhận thấy nắng nóng. Thông thường các năm, từ khoảng tháng 2 trở đi không khí lạnh ít khuếch tán xuống phía Nam nên nắng nóng duy trì, kéo dài đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 là cao điểm nắng nóng.

Ghi nhận từ đầu mùa khô đến nay, nhiệt độ cao nhất tại Nam bộ là 36,8oC (Biên Hòa ngày 3.2), TP.HCM cao nhất chỉ ở khoảng 35oC. Theo dự báo, tháng 4, tháng 5, nhiệt độ cao nhất ở TP.HCM, Biên Hòa, Đồng Nai, Đồng Xoài, Bình Phước có thể lên 39oC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.