Vua vọng cổ hài Văn Hường ra đi, tiếng cười ở lại

Hoàng Kim
Hoàng Kim
08/12/2023 16:29 GMT+7

Nghệ sĩ Văn Hường, được mệnh danh là Vua vọng cổ hài, đã tạo nên một trường phái vọng cổ đặc biệt. Ông đã ra đi vĩnh viễn vào 19 giờ ngày 7.12.2023 tại TP.HCM, thọ 90 tuổi, nhưng tiếng cười ông để lại nhân gian thì không bao giờ tắt.

Lúc sinh thời, soạn giả Viễn Châu luôn đau đáu một suy nghĩ, bài vọng cổ làm người ta buồn, khóc, nhưng tại sao lại không làm người ta cười được chứ? Ấp ủ vậy thôi, nhưng ông chưa tìm ra đáp số, cho tới lúc gặp Văn Hường… 

Vua vọng cổ hài Văn Hường ra đi, tiếng cười ở lại  - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Văn Hường nổi tiếng với loạt vọng cổ về Tư Ếch

ẢNH: TƯ LIỆU

Cậu bé Văn Hường lúc ấy mới 15 tuổi, quê Thủ Đức, bỏ nhà vô trung tâm Sài Gòn quanh quẩn tại các rạp, bán đậu phộng, hạt dưa trước cửa rạp để thỏa nỗi đam mê cải lương. Những lúc rảnh, cậu thường tụ tập đám bạn cùng ngồi ca vọng cổ với chất giọng trời cho thô mộc chưa qua trường lớp nào. Nhưng giọng ca ấy đã lọt vào tai Viễn Châu cùng những nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ là bà bầu Lệ Liễu (người từng phát hiện ra cô bé Ngọc Giàu, đem về cho diễn và sau này thành ngôi sao rực rỡ), ông Bảy Cao bầu gánh hát Hoa Sen (một diễn viên giỏi, kiêm soạn giả, kiêm bầu gánh hát cùng thời với ông Năm Nghĩa cha của nghệ sĩ Thanh Nga). Những người này đều nhận ra tài năng của Văn Hường và suy nghĩ tìm hướng đi cho cậu bé.

Tuy nhiên, để trở thành kép thì không đơn giản, bởi Văn Hường sắc vóc không sáng. Thế là soạn giả Viễn Châu nhớ tới điều mình ấp ủ, hướng Văn Hường đi theo vọng cổ hài, mà chính ông soạn bài hát cho Văn Hường bước vào nghề. Tư Ếch đi Sài Gòn là bài vọng cổ hài đầu tiên đã làm rung động sân khấu Sài Gòn. Lạ quá! Vui quá! Vọng cổ gì mà tiết tấu nhanh, vui, lời lẽ tưng tửng, hấp dẫn, giọng ca cũng ứ ự ngộ quá chừng, rồi lên cao xuống thấp lái qua lượn lại quanh co như chạy cút bắt, như giỡn như đùa. Trời ơi, bộ "phá" vọng cổ hay sao vậy! Phá, nhưng thành công, được đón nhận tưng bừng.

Vua vọng cổ hài Văn Hường ra đi, tiếng cười ở lại  - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Văn Hường đã lui về "ở ẩn" từ năm 1987

ẢNH: TƯ LIỆU

Văn Hường một bước lên mây. Từ đó ông được các hãng băng đĩa săn lùng, và Viễn Châu lại viết cho ông mấy trăm bài vọng cổ hài nữa, hát suốt từ 1960 cho tới khoảng 1987 ông mới nghỉ hát. Trong thời gian này, Văn Hường còn đi theo gánh Thanh Hải, Thống Nhất, Phước Chung đóng vai hề trong tuồng cải lương dài. Đến 1987 ông nghỉ hẳn, trở về nhà ở Thủ Đức  mở quán hát với nhau, cũng chuyên về vọng cổ hài. Vài năm sau, tuổi cao sức yếu, ông ngưng hẳn ca diễn. Nhưng những bài vọng cổ của ông vẫn lưu truyền trong băng đĩa, trên internet, và chính ông đã tạo nên trường phái vọng cổ hài đặc biệt này với các hậu nhân như Hề Sa, Hề An Danh, nghệ sĩ Thanh Nam, Giang Châu, Phú Quý, Hồng Tơ…

Lễ tang của nghệ sĩ Văn Hường cử hành tại tư gia ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). Lễ nhập quan lúc 6 giờ ngày 8.12, động quan lúc 8 giờ ngày 111.2, hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, TP.Thủ Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.