Vùng đất của các vị thần

29/12/2019 10:00 GMT+7

Ubud mới chính là Bali như chúng ta nghĩ, là linh hồn của Bali, là nơi mà các vị thần Hindu chọn làm nơi trú ngụ.

Trong cuốn sách du lịch dành riêng cho Bali (Indonesia) mà tôi tình cờ lướt qua ở sân bay, ngay đoạn đầu tiên khi giới thiệu về Ubud, thị trấn xinh xắn nằm trong đảo Bali, viết: “Ubud là nơi vô cùng đặc biệt. Những ai nghĩ rằng chỉ đến Ubud hai hoặc ba ngày thì sẽ ở lại một tuần, ai nghĩ rằng họ chỉ ở đây một tuần thì sẽ ở đây cả tháng, còn việc nhiều người đến đây ở từ ngày này qua tháng nọ là chuyện bình thường”.
Đoạn giới thiệu cứ quanh quẩn trong đầu khiến tôi háo hức mong chờ việc đặt chân đến thị trấn này, nơi trước đó đã nổi tiếng với bối cảnh trong cuốn truyện và phim Ăn, cầu nguyện và yêu (*).
Vùng đất của các vị thần

Những ngôi đền đầy dáng vẻ huyền bí

ẢNh: Kim Thoa

Khu rừng của các vị thần

 
Vượt qua cây cầu trên biển kéo dài đến tận chân trời, chiếc xe bốn chỗ từ từ đưa chúng tôi vào thị trấn Ubud. Thị trấn nằm giữa những khe núi dốc đứng nên chiếc xe di chuyển rất chậm. Chỉ đến khi nhận ra chiếc xe đang đi trên một con đường nhỏ, hai bên đường là những hàng rào bằng cây được cắt xén cẩn thận xen lẫn với những thân cây lớn. Ánh nắng buổi chiều tà rọi chếch qua bóng cây trên con đường không có một tiếng động khiến tôi có cảm giác như cảm nhận được cả hơi thở của mình.

Thưởng thức món thịt heo trứ danh Bali

 Hầu hết các cuốn sách du lịch khi đề cập đến ẩm thực Ubud đều nhắc đến món babi guling, món thịt heo danh tiếng chỉ có ở Bali. Do hầu hết người dân Indonesia theo đạo Hồi, cấm ăn thịt heo nên món ăn này chỉ tồn tại ở Ubud.
Phải thừa nhận là người Indonesia nói chung ăn cay thần sầu. Độ ăn cay đến mức tạo ra một món ăn nức tiếng là “cơm chiên quỷ sứ”. Nghe thì tưởng món ăn có nguyên liệu gì đặc biệt ghê gớm, hỏi ra mới biết món ăn này có độ cay cực độ đến mức khi ăn ai cũng mặt đỏ tía tai trông như quỷ sứ nên gọi là “cơm chiên quỷ sứ”.
Dẫu vậy cũng phải thừa nhận món babi guling hay chính là món thịt heo quay ở xứ mình nhưng cách làm ở Ubud ngon thật. Dù độ cay khiến bạn tốn nước nhưng thịt thơm mềm, lớp vỏ giòn rụm quả là khó cưỡng trong vô số món ăn Indonesia khá khó ăn.
Thay vì chọn một khách sạn ở trung tâm thị trấn, tôi cùng vài người bạn thuê một căn nhà nhỏ 2 phòng ngủ trong suốt mấy ngày ở lại Ubud. Đón chúng tôi trong ánh hoàng hôn buổi chiều tà là một chàng trai trẻ trong trang phục truyền thống. Dưới ánh nắng ngược chiều, bộ trang phục của anh tỏa ra thứ hào quang đẹp mắt như một vị thần đứng nơi bậc cửa.
Khi ánh nắng đã bắt đầu dịu đi, chúng tôi cuốc bộ men theo con đường nhỏ để đến với Rừng khỉ Ubud. Thật may mắn là căn nhà chúng tôi thuê chỉ nằm cách cổng phụ của rừng khỉ khoảng 200 m. Giữa một thị trấn xinh xắn là cả một khu rừng được bảo tồn. Gọi là rừng nhưng khu vực dành cho khách tham quan vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích những ngôi đền Hindu đã bị cây cối mọc lẫn vào bên trong, những lối đi lát đá phủ kín rêu. Dĩ nhiên đặc sản của rừng là khỉ. Những con khỉ đủ mọi lứa tuổi đã quen với sự xuất hiện của du khách nên thoải mái chơi đùa như chốn không người. Khỉ xuất hiện trên mọi cành cây, lối đi hay bất cứ chỗ nào.

Đặc sản của rừng Khỉ dĩ nhiên... là khỉ

Ảnh: Kim Thoa

Mới bước vào ai cũng háo hức chụp ảnh, quan sát chúng, chỉ đến khi chúng xuất hiện quá nhiều, thậm chí có vài con chỉ cần nhìn thấy khách sơ hở là lao ra cướp đồ. Dù nhân viên ở đây liên tục nhắc nhở khách cất đồ nhưng thi thoảng lại nghe tiếng ai đó hét lên, có nghĩa là có thêm một “nạn nhân” của một vụ cướp giật. Nếu món đồ giá trị, nhân viên sẽ cố gắng tìm kiếm chú khỉ láu cá bằng cách dùng những chiếc roi dài đánh để bắt chúng trả lại. Thế nhưng, có lẽ việc trả lại đồ cũng mang xác suất khá thấp. Có vị khách đi gần chúng tôi bị khỉ giật chiếc máy ảnh du lịch, sau vài giây chú khỉ nhận ra chẳng xơ múi gì từ cục sắt kia nên chú ta đứng trên cây ném trả cái bịch chẳng cần đợi nhân viên mang roi đến, vị khách kia dù nhận lại được máy ảnh nhưng nó chắc cũng đã kịp… lên đường.
Thế nhưng điều tuyệt nhất của khu rừng này chính là khung cảnh ma mị của những ngôi đền. Người dân Ubud tin rằng các vị thần sống đâu đó trong khu rừng này nên ở đâu cũng có tượng. Những bức tượng nằm dưới gốc cây, trong hốc đá, trên lối đi được những cây cổ thụ bao bọc. Khu rừng được che phủ bởi những cây cổ thụ khổng lồ với tán lá rộng, quanh năm ánh nắng không có cơ may chạm xuống đất, các loài rêu cũng tha hồ hoạt động càng làm khu rừng toát lên sự huyền bí. Khu đền lớn nhất ở trong rừng bị một thân cây có phần rễ khổng lồ che phủ một phần khiến cho khu rừng càng trở nên đáng sợ.

Khung cảnh ma mị của những ngôi đền

Ảnh: Kim Thoa

Và… các vị thần cũng đi dạo

Chúng tôi hướng ra phía cổng chính của khu rừng, đây cũng chính là con đường chính của Ubud. Bước ra khỏi rừng mới nhận thấy dường như đã bước vào nơi mà nhiều nhà kiến trúc đô thị mơ ước: Rừng trong phố, phố trong rừng. Một bên là thị trấn xinh xắn với những cửa hàng tấp nập buôn bán, người qua lại, chỉ cách một bức tường là khu rừng nguyên sinh xanh mướt.
Jalan Raya Ubud là con đường chính của Ubud. Nói là đường chính bởi nó dài nhất và nhộn nhịp du khách nhất, còn về chiều rộng thì chỉ đủ cho hai chiếc xe hơi đi qua không hơn không kém. Đường chạy trên một dốc đồi nên nhà cửa cũng nhấp nhô lên xuống theo. Hai bên là những tiệm bán đồ lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn khiến ta liên tưởng đến phố cổ Hội An.
Cũng phải nói thêm Ubud là cái nôi của các nghề truyền thống cũng như nghệ thuật của Bali. Người Bali rất khéo tay, cộng với nét văn hóa mang đậm dấu ấn Hindu nên họ đã tạo ra rất nhiều món quà lưu niệm đồ trang trí mà ai cũng muốn xách về nhà. Trong số nhiều du khách đến Bali và Ubud, có nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật, những người thích các món đồ truyền thống, kiến trúc sư... Họ đến đây để đặt hàng, để mua sắm.

Người Hindu tin rằng các vị thần sẽ lướt qua cửa vào mỗi sáng sớm...

Ảnh: Kim Thoa

Những ngày ở Ubud tôi luôn cố gắng dậy sớm. Tôi nhận ra trước mỗi bậc thềm của những ngôi nhà ở Bali đều có một đĩa hoa vào buổi sáng. Gọi là đĩa nhưng thực ra chủ nhà ngắt một lá cây lớn, dùng vài que nhỏ như cây tăm gấp bốn góc của lá cây để tạo hình chiếc đĩa, bên trong là những loại hoa nhỏ li ti như hoa giấy, hoa ngọc lan, hoa lài, cúc… được sắp xếp gọn ghẽ. Hỏi ra mới biết, người Hindu tin rằng các vị thần sẽ lướt qua cửa vào mỗi sáng sớm nên họ xếp những bông hoa lên bậc cửa để chào đón các vị thần. Dù không phải là người Hindu nhưng cứ nhìn vào đĩa hoa tươi trên bậc cửa khiến tâm hồn tôi nhẹ nhàng, thư thái, chắc là các vị thần cũng có cảm giác như thế này khi dạo phố ở Ubud.
Quanh Ubud có tới 13 ngôi làng, hơn nữa chỉ có ra ngoài Ubud mới thấy những thửa ruộng bậc thang, những ngôi làng xinh xắn như trong phim. Những con đường nhỏ chạy giữa những cánh đồng lúa, thi thoảng thấy vài khu nhà được xây theo kiểu boutique hotel (khách sạn nhỏ kiểu cổ điển) nằm chơ vơ giữa ruộng, cái nào cũng được thiết kế thanh thoát dễ thương. Những người đến Ubud mà ở lại vài tháng hay cả năm đều chọn cách vào ở trong những ngôi làng sâu bên trong chứ không phải ở trung tâm.
Người Bali làm du lịch thật xuất sắc. Nguyên một khu vực bên núi là những thửa ruộng bậc thang, bên này núi thì xây hẳn một khu vực để khách uống cà phê, ngắm cảnh. Điều đáng nói là lúa ở đây quanh năm chín vàng hoặc xanh vì người ta thuê người để trồng lúa cho du khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh.

Bên núi là những thửa ruộng bậc thang

Ảnh: Kim Thoa

Tôi thậm chí chẳng biết mình đã thực sự đi đâu xung quanh Ubud, cứ lên xe, thấy đường là đi, hoàn toàn thả mình vào Ubud. Những cánh đồng lúa, những ngôi nhà xinh xắn, những đền thờ nhỏ cứ thế trôi qua một cách nhẹ nhàng.
Giờ thì tôi đã hiểu đoạn giới thiệu về Ubud trong cuốn sách ở sân bay, tôi đến 4 ngày và lúc rời đi chỉ muốn giá như mới chỉ là ngày đầu tiên đặt chân đến Ubud.
* Được dịch từ tiếng Anh của tựa đề Eat Pray Love. Một bộ phim tình cảm lãng mạn nổi tiếng của Mỹ với sự tham gia của Julia Roberts, dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của tác giả Elizabeth Gilbert.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.