Điều mà người viết thật sự ấn tượng ở người mẹ trẻ này là tình yêu môi trường, yêu lối sống xanh đã khiến chị dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, học hỏi các cách thức có thể tận dụng tối đa nguồn rác thải hữu cơ sinh hoạt hằng ngày và tái chế thành phân bón cho cây trồng. Cũng nhờ thế mà vườn nông sản sân thượng của chị lúc nào cũng xanh mướt, trĩu quả khiến ai cũng phải ngưỡng mộ.
Vườn nông sản sân thượng khiến nhiều người chết mê chết mệt của chị Hòa
|
Trồng theo vụ để đạt năng suất cao
Kể về cơ duyên đến với đam mê trồng nông sản sân thượng, chị Hòa cho biết quê mẹ ở miền Bắc nên từ nhỏ mỗi lần về quê ngoại thì thấy nhà ông và các cậu, dì của chị có cuộc sống rất đơn giản, gần như tự cung tự cấp và chị Hòa rất thích điều đó, thích mô hình VAC (vườn ao chuồng) của mọi người ở quê. Bên cạnh đó, chị Hòa rất chỉnh chu trong việc chọn lựa thực phẩm cho gia đình nên chị rất thích những thực phẩm sạch như vậy và từ đó chị bén duyên với trồng nông sản sân thượng.
Mỗi lần thu hoạch nông sản sân thượng của chị Hòa
|
Cách đây 2 năm, chị Hòa làm nhà mới tại Đà Nẵng để mở salon tóc và thực hiện ước mơ làm vườn của mình. Sân thượng nhà chị rộng khoảng 100 m2 và được chia làm 2 phần sân trước và sân sau.
Điều đặc biệt là chị Hòa không những trồng được nông sản bội thu mà chị còn thiết kế khu vườn sân thượng của mình đẹp mê ly
|
Điều đặc biệt, dù trồng cây sân thượng nhưng chị Hòa nghiên cứu các vụ mùa như một người nông dân thực thụ để nông sản đạt năng suất cao: “Trồng đúng thời vụ cho từng loại cây thì năng suất sẽ cao hơn. Đối với vụ đông xuân thì mình thường trồng cà chua, bầu bí, khổ qua, bắp cải, su hào, súp lơ, dâu tây và các loại rau ưa mát. Vụ xuân hè và hè thu thì mình ưu tiên giống chịu nhiệt như dưa lưới, dưa lê, dưa leo, khổ qua, mướp và các loại rau chịu nhiệt”, chị Hòa chia sẻ.
Cà chua bạch tuộc trĩu quả
|
Nông sản sân thượng nặng trĩu cành
|
Đa dạng nông sản sân thượng
|
Năm nay chị Hòa thử sức với giống cà chua bạch tuộc Nga, mặc dù không hợp khí hậu ở miền Trung nhưng vườn cà chua của chị cũng khiến vạn người mê. “Giống này phía Bắc hợp khí hậu nên có nhiều người trồng thành công, còn tại Đà Nẵng vẫn có người trồng nhưng năng suất chưa cao và chưa tạo được giàn cà chua đẹp. Nhưng mà mình vẫn quyết tâm trồng thử và dành nhiều tâm huyết, cũng may là năm nay thời tiết thận lợi nên giàn cà chua bạch tuộc nhà mình rất đẹp”, chị Hòa hạnh phúc bày tỏ.
Mong muốn lan tỏa lối sống xanh
Là chủ của salon tóc có tiếng tại Quảng Nam và Đà Nẵng nên thời gian dành cho công việc của chị là 6 ngày trong tuần. Một tuần chị Hòa chỉ được nghỉ ngày thứ 2 và chị tận dụng ngày nghỉ duy nhất này để chăm sóc vườn nông sản sân thượng.
Dù công việc khá bận rộn nhưng làm vườn giúp chị quên hết mệt mỏi và căng thẳng cuộc sống. “Hằng ngày thì sáng mình dành 30 phút để tưới cây, buổi tối đi làm về thì lên ngắm vườn, bắt sâu. Ngày nào cũng sắp xếp công việc rồi suy nghĩ tối nay ươm hạt hay trồng cây gì. Ngày xưa khi chưa có vườn nông sản sân thượng thì chị đi uống cà phê rồi đi làm, từ khi có vườn thì uống cà phê tại vườn luôn”, những gì chị Hòa kể là niềm ao ước của rất nhiều người khi trong cuộc sống bận rộn thế này, về nhà lại có được không gian xanh mướt và tuyệt đẹp để vừa thư giãn, vừa ngắm thành quả nông sản do chính mình trồng được, cảm giác ấy không có gì sánh bằng.
Mà như chị Hòa chia sẻ thì: “Công việc dù căng thẳng hay mệt mỏi cỡ nào mà chỉ cần lên sân thượng ngắm vườn nông sản của mình là mọi mệt mỏi tan biến hết”.
Điều đặc biệt là khu vườn của chị được bố trí rất đẹp mắt, trồng cây gì, quả gì đều được chị Hòa tính toán thiết kế vị trí trồng để tạo nên vườn nông sản sân thượng như một “thiên đường” có thể thỏa sức sống ảo.
“Khu vườn nhà mình là do 2 vợ chồng tự thiết kế hết, mình làm nghề thẩm mỹ nên khâu này khá ổn. Nói chung hoa quả mình trồng ra lúc nào cũng chụp hình thật đẹp rồi mới ăn”, chị Hòa hài hước chia sẻ.
Nói về cơ duyên dẫn chị đến với tình yêu môi trường và ứng dụng vào việc trồng nông sản sân thượng của mình, chị Hòa kể trong một lần sang Nhật Bản chị ngưỡng mộ cách đổ rác của người dân ở đây, chẳng hạn như thứ 2 đổ rác hữu cơ, thứ 3 đổ nhựa tái chế, thứ 4 đổ kim loại... Và bất giác chị nghĩ đến việc nếu tất cả người dân ai cũng trồng cây và lấy rác thải sinh hoạt để làm phân thì giảm 1 lượng rác thải rất lớn cho thành phố.
Thiên đường thư giãn trên sân thượng của gia đình chị Hòa
|
“Những rác thải nhà mình tận dụng để làm phân như vỏ trái cây, xác trái cây, gốc rau dùng để cho trùn quế ăn và tiết dịch để bón phân. Đầu cá, ruột cá, đầu tôm tận dụng chôn vào gốc cây vì đây là nguồn đạm và canxi rất tốt. Vỏ trứng thì bốp nhỏ trộn vào đất để bổ xung canxi. Khi trồng cây phủ xanh ngôi nhà làm mát không gian sống cho gia đình, các chậu cây cũng hứng được 1 lượng nước khá lớn, nếu gia đình nào cũng làm vậy có khi còn giảm lụt lội nữa. Ngoài rác thải tận dụng làm phân thì mình cũng có mua thêm bánh dầu, phân bò, phân trùn quế để bón cho cây”, chị Hòa kể.
Sân thượng không chỉ có rau củ quả mà còn có cả hoa, khiến khu vườn đẹp lung linh
|
Và chị gửi gắm: “Việc trồng nông sản sân thượng cũng một phần vì mình luôn không yên tâm về thực phẩm bây giờ nên mình muốn tốt cho gia đình và làm vậy cũng để lan toả lối sống xanh sạch. Không những vậy khi trồng cây, những người yêu cây, yêu thiên nhiên đều có cái nhìn tích cực và luôn tạo năng lượng tích cực để chất lượng cuộc sống ngày 1 tốt đẹp hơn”.
Mời độc giả đón đọc bí quyết trồng được giàn cà chua bạch tuộc và nông sản sân thượng trĩu quả của chị Hòa ở bài tiếp theo!
Bình luận (0)